Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 17:11
Thứ ba, 14/03/2023 08:03
TMO – Tây Nguyên là vùng có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước. Do đó, việc phát triển cà phê theo hướng bền vững, thân thiện môi trường đang là bài toán cần lời giải.
Theo thống kê sơ bộ, diện tích cà phê năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 710.000 ha, năng suất đạt 28,2 tạ/ha cho sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích cà 93,2% về sản lượng cà phê cả nước. Diện tích cà phê có chứng nhận ở Tây Nguyên đạt 185.800 ha.
Riêng tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận là 45.674 ha, chiếm khoảng 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh. Trong đó, chứng nhận UTZ với tổng số nông hộ tham gia là 11.296 nông hộ, diện tích là 13.713 ha và sản lượng 49.979 tấn; chứng nhận 4C với tổng diện tích là 26.091 ha, sản lượng 94.357 tấn với 18.450 nông hộ tham gia; chứng nhận RFA với diện tích 5.123 ha và 2.771 nông hộ tham gia với tổng sản lượng đăng ký 12.719 tấn; chứng nhận Fairtrade có tổng diện tích 747,2 ha, 447 nông hộ tham gia với tổng sản lượng đăng ký 3.255,9 tấn.
Cà phê là cây trồng chủ lực trong nông nghiệp vùng Tây Nguyên.
Để đưa ngành hàng cà phê tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, hiện nay, ngành chức năng cũng như các địa phương đã ban hành các quy trình kỹ thuật về canh tác, tái canh, chế biến, đồng thời hướng dẫn các địa phương áp dụng theo các tiêu chuẩn chứng nhận. Tùy theo điều kiện thực tiễn, mỗi địa phương sẽ chọn những quy trình phù hợp để áp dụng. Đối với diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản đang áp dụng quy trình chăm sóc theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, Organic. Các địa phương khuyến cáo chỉ thu hoạch những quả đúng tầm chín, không thu hái quả xanh. Thu hái phải đúng kỹ thuật (không tuốt, vặn cành, làm gãy cành) và cà phê quả tươi thu hái phải đảm bảo Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 9278:2012).
Tổ chức vận động thành lập thêm nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao (4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, Faiftrade, hữu cơ…) để tạo ra sản phẩm cà phê sạch chất lượng cao ngày càng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025, bình quân mỗi năm tái canh khoảng 4.000 ha/năm. Đảm bảo 100% diện tích tái canh được sử dụng giống tốt, chất lượng và áp dụng đúng quy trình tái canh.
Hoài An
Bình luận