Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ năm, 14/04/2022 16:04
TMO - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu với sự gia tăng xâm nhập mặn đã tác động lớn đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhiều địa phương tại tỉnh Hậu Giang. Nhằm giảm thiểu những thiệt hại từ vấn đề trên, tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Trước diễn biến bất thường của điều kiện thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn liên tiếp xảy ra, người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi mùa vụ, mô hình canh tác. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động; trồng rau, dưa lưới trong nhà màng; hạn chế sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất;…vừa để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình, vừa góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Hậu Giang khuyến khích hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ, nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính
Theo dự báo từ ngành chức năng Hậu Giang, mùa khô năm nay, toàn tỉnh có khoảng 90.000-100.000 ha lúa đông xuân 2021-2022, lúa hè thu 2022 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và thành phố Ngã Bảy có nguy cơ hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất. Vùng có khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt cho người dân chủ yếu ở huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.
Với dự báo trên, các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã linh hoạt triển khai thực hiện các công trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi bật là dự án xây dựng tuyến đê bao Ô Môn - Xà No, đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, hệ thống cống Nam Xà No. Đồng thời, xây dựng hồ chứa nước phục vụ đa mục tiêu tại huyện Vị Thủy. Với các dự án này đã góp phần quan trọng giúp Hậu Giang bảo vệ hơn 66.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trước tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn.
Các địa phương chủ động đóng cống ngăn mặn để không ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân
Các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai công tác khảo sát, quan trắc các vùng bị hạn, mặn, thường xuyên cập nhật số liệu hạn, mặn kịp thời báo cáo cho lãnh đạo chỉ đạo tốt công tác phòng, chống. Kiểm tra, rà soát và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp ngay tất cả các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn, bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho người dân.
Hậu Giang có 3 hệ thống thủy lợi lớn là đê bao Ô Môn-Xà No, hệ thống cống Nam Xà No, đê bao ngăn mặn Long Mỹ-Vị Thanh và khoảng 500 cống cấp 2, cấp 3, khép kín hơn 66.000 ha đất sản xuất với 915 vùng thủy lợi, tạo “lá chắn kiên cố bảo vệ sản xuất.
Tỉnh chú trọng đến công tác thủy lợi, nạo vét bùn tại các lưu vực sông để đảm bảo lượng nước phục vụ sản xuất
Bên cạnh đó, công trình hồ chứa nước ngọt của tỉnh tại huyện Vị Thủy có diện tích hơn 20 ha, với tổng mức đầu tư hơn 183 tỷ đồng vừa hoàn thành hồi đầu năm 2022. Đây là một trong những công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, góp phần giúp người dân an tâm hơn khi canh tác và sản xuất trong mùa khô.
Bên cạnh việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Hậu Giang cũng đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Trong định hướng phát triển các đô thị giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hậu Giang ưu tiên sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; tăng mật độ cây xanh, công viên công cộng; không gian mặt nước; nâng cao tỷ lệ giao thông công cộng để giảm dần việc sử dụng các phương tiện cá nhân, góp phần đảm bảo chất lượng môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang chính thức hoàn thành và phát điện lưới vào tháng 12/2020
Đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch nhằm hạn chế ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn; triển khai các dự án năng lượng sạch góp phần vào thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đến nay, Hậu Giang đã đưa vào vận hành dự án nhà máy điện mặt trời với công suất 29MW cùng với hơn 1.000 dự án điện mặt trời áp mái nhà, điện sinh khối đã và đang triển khai.
Nhằm xây dựng một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, tỉnh Hậu Giang khuyến khích các địa phương đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính. Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn này, Sở NN&PTNT sẽ tập trung quy hoạch không gian hợp lý để các ngành sản xuất có tác động nhiều đến môi trường như: chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản, giết mổ, xử lý chất thải... cách xa các khu đô thị, vùng đông dân cư.
Hồng Anh
Bình luận