Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 20:11
Chủ nhật, 28/08/2022 12:08
TMO – Quảng Nam, Quảng Ngãi và đặc biệt là Kon Tum những ngày gần đây liên tục xảy ra các trận động đất khiến người dân khu vực lo lắng, bất an.
Là địa phương nằm trong khu vực Tây Nguyên, địa bàn tỉnh Kon Tum luôn xuất hiện các trận động đất, đặc biệt có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Mới nhất là trận động đất mạnh 4,7 độ richter với độ sâu chấn tiêu khoảng trên 8km xảy ra vào chiều 23/8 tại huyện Kon Plông. Cách đó khoảng 100km người dân TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng cảm nhận được độ rung chấn của trận động đất này. Sau trận động đất chiều hôm 23/8, cũng tại địa bàn này xuất hiện thêm ita nhất là 3 trận động đất khác với cường độ thấp hơn. Thống kê từ Viện Vật lý địa cầu, trong thời gian từ chiều 23/8 đến sáng ngày 24/8 tổng cộng có 12 trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông.
Tại Quảng Ngãi, sáng nay 28/8, vào khoảng 7h36 tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra một trận động đất mạnh 2,5 độ richter. Độ sâu chấn tiêu khoảng 10km; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Chiều hôm 27/8, một trận động đất cũng được ghi nhận tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam với độ lớn 3 độ richter; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km.
Như vậy, chỉ trong ít ngày, nhiều trận động đất xảy ra khiến người dân lo lắng, bất an bởi tâm lý bị ảnh hưởng. Tuy chưa ghi nhận thiệt hại nhưng rõ ràng động đất đang là vấn đề cấp bách cần có phương án ứng phó.
Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum chiều 23/8
Theo các chuyên gia địa chất, từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay đã xảy ra một loạt trận động đất với khoảng gần 200 trận mới. Nhận định bước đầu là động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện. Cụ thể: Cực đại khả năng phát sinh động đất trên địa bàn huyện Kon Plông nếu liên quan đến thủy điện Thượng Kon Tum có thể đến 5,6 độ richter. Với cấp độ này, khả năng thiệt hại về người và của có thể là rất lớn.
Chuyên gia cho rằng, động đất nguy hiểm ở chỗ những tai biến thứ cấp sẽ xảy ra, như: cháy, nổ, chập điện; đá nổ, đá văng, sạt lở núi, vách ta luy, nứt đất, nứt nhà, nứt đứt thủy điện, thủy lợi, có thể vỡ đập hồ chứa gây thảm lũ quyét cục bộ, chết người, vật nuôi, cuốn trôi nhà cửa; sạt lở mỏ lộ thiên gây tai nạn lao động trong mỏ… Các rủi ro vừa nêu là có thể xuất hiện, cần thiết có cảnh báo sớm, ứng phó phù hợp, kịp thời.
Động đất ở Kon Tum được nghĩ có từ nguyên nhân do hồ chứa thủy điện mang lại không phải là điều mới mẻ. Trước đó, những trận động đất xảy ra ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam cũng được nghĩ đến do nguyên nhân từ hồ thủy điện Sông Tranh. Được biết, các hồ thủy điện khi làm dự án đều được thăm dò, khảo sát để dự báo về động đất. Tuy nhiên dự báo về động đất hiện vẫn hết sức khó khăn. Tuy các trận động đất chưa gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng đang gây ảnh hưởng tới tâm lý của người dân.
Để chủ động ứng phó kịp thời với động đất, mới đây, Chính phủ ban hành Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương…chủ động triển khai 8 nhiệm vụ trong tâm. Trong đó, Chính phủ yêu cầu cần tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu (hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục); huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định. Cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời đến người dân về động đất, dư chấn động đất, thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó phù hợp tránh gây hoang mang trong nhân dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu.
Lê Hùng
Bình luận