Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ tư, 03/07/2024 07:07
TMO - Việc giảm một nửa số lương thực, thực phẩm bị lãng phí có thể giúp giảm khí thải gây biến đổi khí hậu và chấm dứt tình trạng thiếu lương thực cho 153 triệu người trên toàn cầu.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, khoảng 1/3 số lương thực, thực phẩm sản xuất cho con người đã bị thất thoát hoặc lãng phí trên toàn cầu, dẫn đến phát thải vô ích và giảm lượng lương thực cung cấp cho những người có nhu cầu.
Báo cáo cảnh báo đến năm 2033, số calo bị thất thoát và lãng phí trong quá trình vận chuyển nông sản từ trang trại đến cửa hàng và các hộ gia đình có thể gấp 2 lần số calo được tiêu thụ hiện nay ở các nước thu nhập thấp trong 1 năm. Việc giảm một nửa số lương thực và thực phẩm thất thoát và lãng phí trong quá trình này có khả năng giảm 4% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp trên toàn cầu và đến năm 2030 sẽ giúp 153 triệu người thoát khỏi cảnh thiếu ăn.
Việc giảm một nửa số lương thực, thực phẩm bị lãng phí có thể chấm dứt tình trạng thiếu lương thực cho 153 triệu người trên toàn cầu.
Mục tiêu này đòi hỏi sự thay đổi đáng kể từ cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Nông nghiệp, lâm nghiệp và việc sử dụng đất cho mục đích khác chiếm khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra. Các nước thành viên Liên Hợp Quốc cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 50% lượng lương thực bị lãng phí theo đầu người, như một phần trong các mục tiêu phát triển bền vững.
Từ năm 2021 đến 2023, trái cây và rau củ chiếm hơn một nửa lương thực, thực phẩm bị thất thoát và lãng phí do tính chất dễ hỏng và thời gian bảo quản tương đối ngắn. Tiếp đó là ngũ cốc chiếm hơn 25%. FAO ước tính khoảng 600 triệu người sẽ thiếu lương thực vào năm 2030.
Các biện pháp giảm thất thoát và lãng phí lương thực có thể tăng đáng kể tỷ lệ tiêu thụ lương thực trên toàn thế giới, trong bối cảnh nguồn cung lương thực sẽ tăng lên và giá giảm đi, đảm bảo những người thu nhập thấp tiếp cận lương thực tốt hơn. Cụ thể, việc giảm một nửa thất thoát và lãng phí lương thực vào năm 2030 có thể tăng 10% tỷ lệ tiêu thụ lương thực đối với các nước thu nhập thấp, 6% ở các nước thu nhập trung bình và 4% ở các nước thu nhập trung bình cao
Theo Liên Hợp Quốc, lãng phí thực phẩm đang ở trong tình trạng đáng báo động. Chỉ trong năm 2022, gần 1/5 lượng thực phẩm được sản xuất, tương đương với hơn 1 tỷ tấn, đã bị lãng phí trên toàn cầu. Trong số rác thải thực phẩm bị lãng phí có khoảng 60% đến từ các hộ gia đình, trong khi tỷ lệ này ở lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và bán lẻ lần lượt khoảng 28% và 12%. Trước các thách thức to lớn của khủng hoảng lương thực với thế giới, cần thay đổi cách tiếp cận, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, cho các hoạt động đảm bảo an ninh lương thực theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.
Thùy Chi
Bình luận