Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 20:11
Thứ sáu, 23/02/2024 09:02
TMO - Hàng năm, cứ vào ngày 13 tháng Giêng, lễ rước “ông lợn” làng La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại tổ chức để tưởng nhớ công ơn thành hoàng làng Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ 6.
Năm nay, từ chiều 22/2 (tức 13 tháng Giêng), những thanh niên trai tráng của làng La Phù trong trang phục nhiều màu đỏ đã dẫn đầu đoàn người đưa "ông lợn" về đình tế Thành Hoàng làng.
Theo người dân địa phương, vào khoảng tháng 1 - 2 năm trước, những chú lợn đẹp sẽ được các thôn xóm tuyển chọn để chăm sóc cho lễ tế năm sau. Các "ông lợn" này được cả thôn xóm cùng góp tiền để chăm nuôi theo chế độ đặc biệt.
Được sự chăm sóc của cả thôn, những "ông lợn" tham gia lễ tế có trọng lượng vượt trội lên tới hơn 200kg. Chiếc chăn được trải ra để khi giết thịt "ông lợn" phần da trên thân không bị trầy xước làm mất thẩm mỹ.
Sau khi giết thịt "ông lợn" được khiêng đặt lên cố định chân tay để chờ giờ lành mang ra đình làm lễ. Việc xát chanh sẽ giúp phần da trông bóng và trắng hơn.
Lớp mỡ làm áo choàng cho "ông lợn" được các thợ lành nghề lọc rất cẩn thận. Từng công đoạn tỉ mỉ khéo léo được diễn ra.
Theo tích xưa, mỗi lần chuẩn bị lên đường đánh giặc, Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ 6 lại mổ lợn khao quân. Mỗi lần như vậy, người dân trong làng mang lợn đến dâng. Sau này, người dân La Phù tôn ông làm thành hoàng làng và vẫn giữ tục dâng tế lợn để tưởng nhớ ông.
Trên suốt đoạn đường rước, các nam thanh nữ tú trong làng sẽ khua chiêng, múa trống, đoàn múa lân tưng bừng để chào đón và mở đường cho “ông lợn”.
Các “ông lợn” được che lọng, rước kiệu, trang trí đẹp mắt bằng hoa và giấy màu ở các vị trí tai, mắt, mũi, đuôi, tứ chi.
Những “ông lợn” đẹp nhất sẽ được đưa vào gian chính của đình để làng lễ dâng tế.
Người dân địa phương quan niệm “ông lợn” khi cho lên kiệu để tế lễ có dáng và da càng đẹp thì năm ấy làng càng gặp nhiều điều thuận lợi. Vì thế công đoạn chuẩn bị phải thật chỉnh chu và thành tâm.
Đoàn rước ông Lợn đi qua các nhà nhà trong làng La Phù và tiến dần về trung tâm của làng.
Không chỉ người dân địa phương mà nhiều người dân từ các nơi khác đổ về làng La Phù xem lễ rước “ông lợn”.
Lễ rước lợn được thực hiện quanh làng trong khoảng 2 - 3 tiếng, sau đó các "ông lợn" lần lượt đưa vào sân đình.
Việc tế lễ sẽ diễn ra cho tới 1 - 2h sáng hôm sau. Sau đó, các “ông lợn” sẽ được khiêng về chia cho cả làng. Người dân coi đó là việc hưởng lộc từ Thành Hoàng làng. Lễ hội làng La Phù không chỉ là dịp để người dân địa phương tưởng nhớ công ơn chống giặc ngoại xâm của cha ông mà thông qua nghi lễ rước lợn còn gửi gắm những mong ước về một năm mới sung túc, bình an và may mắn.
Bài và ảnh: DƯƠNG PHÚC
Bình luận