Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 05:11
Với sự độc đáo và huyền bí, nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) đã và đang được nhiều du khách tìm hiểu, khám phá.
TMO - Với sự độc đáo và huyền bí, nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) đã và đang được nhiều du khách tìm hiểu, khám phá.
Lễ kéo chày của dân tộc Pà Thẻn) - Ảnh: Tạ Thành.
Không ai biết tục nhảy lửa của đồng bào có từ bao giờ nhưng nó đã tồn tại cho đến nay, gắn liền với đời sống của người Pà Thẻn.
Có thể đó là một tục chế ngự nỗi sợ hãi với thần lửa; có thể đó là sự khát khao muốn chiến thắng sức mạnh thiên nhiên của tổ tiên họ; có thể đó cũng là lễ tạ ơn thần lửa hay ước vọng sống chan hoà, gắn bó với thiên nhiên và vô vàn lý do khác, Nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở mức nghi vấn – có thế!
Chưa ai có thể khẳng định chắc chắn một điều gì, và lễ hội vẫn chìm khuất, ẩn lấp sau một lớp sương mù che dấu, bao phủ nào đó. Lễ hội được diễn ra khi nông dân đã nhàn, lúa đã gặt xong, thời tiết đang chuyển mùa, giao thoa, bắt đầu một năm mới.
Công việc chuẩn bị vất vả và công phu nhất vẫn thuộc về thầy mo - vị đạo diễn với bài cúng, phù thuỷ âm nhạc, công cụ và đạo cụ của thầy mo không có gì đặc biệt ngoài những nhạc khí tự chế rất thô sơ và lễ vật mang tính tượng trưng.
Thầy mo đọc văn khấn trước khi thực hiện nghi lễ nhảy lửa - Ảnh: Tạ Thành.
Bài cúng của thầy mo mới là vấn đề phức tạp. Với bài cúng ấy, thầy mo phải đọc, phải hát suốt nhiều giờ, triền miên không được ngưng nghỉ với hàm ý mong thần linh ban bố sức mạnh cho những người nhảy lửa.
Mâm cúng của người Pà Thẻn tại lễ hội - Ảnh: Tạ Thành.
Đạo cụ chính của đêm lửa thiêng chính là những đống lửa mà sức nóng của nó đủ để nung chảy bất cứ một loại kim loại nào. Lửa đã nhóm lên và thầy cúng lại tiếp tục mời gọi thần linh trong suốt thời gian lễ hội, từ 8 giờ tối cho đến khi nào tàn cuộc, than tắt mới thôi.
Lửa bắt đầu cháy lên, các thanh niên đang ngồi chờ, chuẩn bị nhảy lửa - Ảnh: Tạ Thành.
Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng đỏ rực, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Điều thú vị, sau khi nhảy vào lửa chân tay họ không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước.
Nghi lễ nhảy lửa - Ảnh: Tạ Thành.
Sân khấu thô sơ là bãi đất trống giữa thiên nhiên thoáng đãng. Đạo cụ là than lửa, vị "chỉ huy" tài ba với vài nhạc cụ nôm na, lễ vật giản dị, nghi lễ không cầu kỳ, bí ấn mà tất cả những người con Pà Thẻn đã tạo ra được một buổi trình diễn nghệ thuật với than lửa cực kỳ ấn tượng, đẹp mắt, ám ảnh và đầy kịch tính, hấp dẫn. Nó "nóng" hơn bất cứ một sân khấu trình diễn nào khác mà khán giả đã được xem.
"Vũ điệu hoa lửa" của các chàng trai Pà Thẻn - Ảnh: Tạ Thành.
Người ta như bị lôi cuốn theo, thót tim, rồi vỡ oà, reo hò theo những bước chân nhảy lửa, nhảy than đầy huyền bí. Như bất cứ một lễ hội nào, lễ hội nhảy lửa cũng chất chứa trong mình sức nặng của ước mơ, khát vọng cháy bỏng.
Sự huyền bí tạo nên nét đặc sắc cho Lễ hội - Ảnh: Tạ Thành.
Những bí mật của Lễ hội nhảy lửa vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ cho các nhà khoa học đi tìm lời giải mã. Người ta khó mà giải thích được, tại sao da thịt, quần áo thô sơ của những con người bình thường, không bị bỏng, cháy khi va chạm với sức nóng của than lửa đủ sức nung chảy kim loại.
Lễ hội qua đi, những người nhảy lửa lại trở về với cuộc sống đời thường. Đợi đến năm sau, ngày này, đến hẹn lại lên, lại phiêu linh với than hồng, như mê hoặc du khách gần xa nô nức tìm đến. Để rồi, nhớ mãi không quên một lễ hội kỳ bí, lạ lùng, bí ẩn của bà con người dân tộc Pà Thẻn huyện Lâm Bình (Tuyên Quang).
Tạ Thành
Bình luận