Hotline: 0941068156

Thứ tư, 27/11/2024 03:11

Tin nóng

25 tác phẩm xuất sắc được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Hội nghị Ban Chấp hành 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội

Hoà Bình: 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Đa cổ thụ ở Phú Xuyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Thứ tư, 27/11/2024

Lễ hội Khai ấn đền Trần khai mạc ngày nào?

Thứ sáu, 16/02/2024 14:02

TMO - Lễ hội dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, hấp dẫn như: biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; múa lân - sư - rồng; thả diều sáo; hát chèo; hát văn; hát xẩm; múa rối nước; tổ chức chương trình "Mùa Xuân thượng võ" - biểu diễn võ thuật, thi đấu vật, các chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Theo Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định, Lễ Khai ấn tổ chức vào đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn to lớn là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn Đền Trần - “Tích Phúc Vô Cương”, mọi người bước vào năm mới mạnh khoẻ, lao động hăng say, học tập, công tác tốt. Tục lệ này không chỉ mang đậm giá trị văn hoá tâm linh truyền thống mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Theo kế hoạch, lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 20/2 đến ngày 25/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Trong đó, ngày 11 tháng Giêng (20/2) tổ chức lễ rước Kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng (21/2) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá. Từ 5h ngày 15 tháng Giêng (24/2) tổ chức phát ấn cho người đi lễ hội tại 3 địa điểm.

(Ảnh minh họa)

Ngày 14 tháng Giêng (23/2): từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương, từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn, từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn. Từ 5h00 ngày 15 tháng Giêng (24/2) tổ chức phát ấn cho người đi lễ hội tại 3 địa điểm: Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày, Đền Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng (25/2) tổ chức tế, lễ Tết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung.

Cũng theo Ban tổ chức lễ hội, trong lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân năm nay, Ban tổ chức lễ hội dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, hấp dẫn như: biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; múa lân - sư - rồng; thả diều sáo; hát chèo; hát văn; hát xẩm; múa rối nước; tổ chức chương trình "Mùa Xuân thượng võ" - biểu diễn võ thuật, thi đấu vật, các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh và các đoàn nghệ thuật của các địa phương. Bên cạnh đó, trưng bày triển lãm sinh vật cảnh, giới thiệu các sản phẩm OCOP Nam Định; tổ chức triển lãm "Hành cung Thiên trường - Dấu ấn vàng son", triển lãm "Ảnh đẹp du lịch Nam Định"...

Địa điểm tổ chức các hoạt động tập trung tại khu vực sân quảng trường Đông A thuộc khu trung tâm lễ hội Trần, dự kiến sẽ thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự; qua đó góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống của lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân, đẩy mạnh phát triển du lịch tín ngưỡng tâm linh qua các sản phẩm du lịch đặc thù của quê hương.

Lễ Khai ấn đầu xuân là một phong tục có từ lâu đời, thể hiện lòng tri ân của nhân dân đối với các vị vua Trần bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính-ban dấu Ấn tín. Từ năm 2014, thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Trần, tỉnh Nam Định triển khai nghiên cứu, khôi phục một số nghi thức truyền thống trong Lễ Khai ấn đầu xuân. Theo đó, Lễ hội Khai ấn đền Trần có 3 nghi lễ chính, gồm: Lễ rước kiệu Ngọc Lộ, Lễ rước nước, tế cá và Nghi lễ Khai ấn. Đây là những nghi lễ thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với các vị vua đời Trần và các vị tướng tài ba, anh hùng dân tộc của triều đại đã có công với dân, với nước, khơi dậy niềm tự hào quân dân Đại Việt trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII.

Sử sách ghi lại, năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông ra lệnh thực hiện chính sách “vườn không nhà trống” tại kinh thành Thăng Long và rút lui chiến lược về phủ Thiên Trường để huy động sức mạnh toàn dân. Sau khi đánh bại quân Nguyên Mông, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức “khai ấn” để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.

Siết chặt, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội

Tại Công điện số 11 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhất là các cơ sở thờ tự.

Đặc biệt, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi; không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí. Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội phải đúng quy định của pháp luật, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và nhà nước.

 

 

QUỲNH VÂN

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline