Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 01/02/2025 19:02
Thứ bảy, 01/02/2025 14:02
TMO - Để chủ động trong công tác quản lý, vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và an toàn hạ du đồng thời đảm bảo nhiệm vụ cấp nước của hồ chứa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp.
Đập, hồ chứa nước thủy lợi xây dựng với mục đích cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp điều tiết nước phòng chống lũ trong mùa mưa, bão bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, do đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, đánh giá cụ thể về dung tích của hồ chứa, vùng tưới, diện tích thực đang phục vụ và các nhu cầu sử dụng nước, nhu cầu khai thác đa mục tiêu để sử dụng hiệu quả hồ chứa; rà soát, đánh giá an toàn công trình, năng lực thoát lũ của tràn, có giải pháp phù hợp nâng cao mức bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ chứa (như: nâng dung tích phòng lũ, nâng cao năng lực xả, bố trí tràn sự cố,... và các biện pháp bảo đảm an toàn ở hạ du khi hồ xả lũ).
Rà soát lại các quy trình đang vận hành để xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, trong đó tập trung vào các hồ chứa có cửa van, cần tính toán đến thượng lưu, hạ lưu, trách nhiệm vận hành trong các tình huống khẩn cấp và phải gắn với lưu vực sông, bảo đảm an toàn công trình, an toàn hạ du và khai thác tổng hợp hồ chứa. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn công trình trước và sau mùa mưa lũ để quyết định phương án tích nước và giải pháp bảo đảm an toàn công trình, hạ du hồ chứa.
Vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy lợi cũng như đáp ứng nhu cầu tưới tiêu là nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh triển khai. Ảnh: BLS.
Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn công trình trước và sau mùa mưa lũ để quyết định phương án tích nước và giải pháp bảo đảm an toàn công trình, hạ du hồ chứa. Chủ động các giải pháp quản lý, khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu, sử dụng hiệu quả hồ chứa, tối ưu hóa các nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Chủ động cập nhật ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số phục vụ quản lý vận hành; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo trong mùa mưa lũ hướng tới vận hành thông minh các hồ chứa (số liệu lượng mưa, mực nước, lưu lượng thực đo ở thượng nguồn, mực nước, lưu lượng ở hạ du, tình hình ngập lụt hạ du). Chủ động rà soát năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác hệ thống thủy lợi trên địa bàn, nhằm kịp thời đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao làm chủ các công nghệ tiên tiến trong thời gian tới.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông phổ biến rộng rãi các chính sách, pháp luật về thủy lợi như: Luật Thủy lợi năm 2017; Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Quyết định số 53/2018/QĐ-UBND ngày 07/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc Ban hành quy định cụ thể phạm vi vùng phụ cận đối với một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Nghị định số 03/2022/NĐCP ngày 06/01/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều đến các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình, nâng cao nhận thức của người dân; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thuỷ lợi.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có 173 hồ chứa nước, trong đó 132 hồ phải theo dõi về an toàn đập (trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật về an toàn đập), các hồ còn lại quy mô nhỏ, không phải theo dõi về an toàn đập. Trong 132 hồ chứa phải theo dõi an toàn đập có 100 hồ có thông số kỹ thuật và phải báo cáo mực nước hồ hằng tháng.
Trần Nam
Bình luận