Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 16:10
Thứ sáu, 23/08/2024 07:08
TMO - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT tỉnh, từ năm 2022 đến nay, lượng CTRSH phát sinh là 515.186 tấn. Trong đó, khu vực đô thị 340.577 tấn, khu vực nông thôn 174.609 tấn. Khối lượng thu gom, xử lý đạt khoảng 80% khối lượng CTRSH phát sinh. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện phân loại CTRSH vẫn đạt tỷ lệ thấp, nhiều địa bàn chưa thực hiện được.
Hiện nay, toàn tỉnh có 15 đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, 5 bãi chôn lấp với tổng diện tích gần 90 ha, 3 cơ sở lò đốt CTRSH, 8 điểm tập kết, trung chuyển rác hoạt động tại 6/11 huyện, thành phố. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp, lò đốt CTRSH chỉ cơ bản phục vụ được nhu cầu trước mắt, về lâu dài không thể đáp ứng được vì có một số bãi chôn lấp có nguy cơ quá tải trong khi đó, tỷ lệ phát sinh CTRSH tăng 5%/năm.
Sở TN&MT Lạng Sơn cho biết, việc phân loại CTRSH trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó có phần nguyên nhân chủ quan do sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể các cấp chưa thực sự quyết liệt, thiếu giải pháp đồng bộ, ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân chưa cao…. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng xử lý rác chưa đồng bộ, nguồn lực để thu gom, phân loại, xử lý CTRSH chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Trước sự gia tăng của các nguồn thải cùng với công tác thu gom hiệu quả các địa phương cần đẩy mạnh phân loại CTRSH tại nguồn.
Thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 26 ngày 19/12/2023 quy định về quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đồng thời triển khai đề án tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại CTRSH trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; xây dựng bộ sổ tay hướng dẫn phân loại CTRSH để các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố cùng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, qua đó thay đổi từ ý thức đến hành động của người dân trong thực hiện phân loại rác tại nhà.
Sở TN&MT đang phối hợp các cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá lại thực trạng các bãi chôn lấp rác để có phương án xử lý, đáp ứng nhu cầu xử lý CTRSH sau khi phân loại. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH theo quy định đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường và phù hợp với Quy hoạch tỉnh.
Theo đó, thành phố Lạng Sơn bố trí các điểm tập kết và trung chuyển chất thải rắn cố định cỡ lớn đảm bảo bán kính phục vụ, diện tích tối thiểu mỗi trạm trung chuyển 5.000 m; mỗi cấp huyện bố trí tối thiểu 1 cơ sở xử lý hoặc dự trữ quỹ đất để bố trí khu xử lý chất thải rắn đảm bảo thu gom, xử lý cho địa phương hoặc liên huyện.
Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác phân loại CTRSH, Sở TN&MT đề nghị Thường trực các Huyện ủy, Thành ủy quan tâm quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc, UBND huyện, thành phố và các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH và UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ dân phố, khối phố, các thôn, Ban công tác Mặt trận,...trên địa bàn quản lý khẩn trương thực hiện nhiệm vụ như:
Chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc triển khai thực hiện phân loại CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân đến từng chi bộ, đảng viên. Xây dựng Nghị quyết chuyên đề và lấy chi bộ, đảng viên là hạt nhân, gương mẫu thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn ở hộ gia đình, cá nhân.
Chỉ đạo UBND huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn hoàn thành xây dựng Kế hoạch xong trước ngày 26/8/2024 để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 08/8/2024 của UBND tỉnh. Trong đó, tăng cường quán triệt, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền tập huấn, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (nêu gương) và Nhân dân thực hiện thu gom, phân loại CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân chậm nhất trước ngày 31/12/2024 (hình thức tổ chức như hội nghị, sinh hoạt chuyên đề,...);
Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai các mô hình tái sử dụng, tái chế đối với nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.... Triển khai xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ môi trường ở thôn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, xử lý CTRSH sau phân loại của hộ gia đình, cá nhân.
Tăng cường truyền thông, đăng tải các thông tin, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền phân loại CTRSH theo nội dung đã được Bộ TN&MT phổ biến tại Công văn số 5392/BTNMT-KSONMT ngày 12/8/2024 (gồm: Bộ nhận diện CTRSH phục vụ cho công tác phân loại CTRSH; phim hoạt hình hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH và Phóng sự về công tác phân loại CTRSH tại một số địa phương).
Thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai phận loại CTRSH tại nguồn. Tại huyện Chi Lăng, thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, ngay từ đầu năm huyện đã lựa chọn 2 khu phố của thị trấn Đồng Mỏ triển khai thí điểm với gần 400 hộ dân. Tuy nhiên, rất ít người thực hiện, hoặc có thực hiện nhưng không đúng. Nguyên nhân do nhận thức của người dân chưa cao, cán bộ cơ sở chưa sâu sát trong tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại CTRSH. Đặc biệt, nguồn kinh phí thực hiện việc này còn hạn chế, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để thu gom, phân loại, xử lý rác chưa đồng bộ nên dẫn đến tình trạng khi người dân phân loại rác xong vẫn phải để chung xe thu gom...
Phòng TN&MT huyện Văn Lãng cho biết: Thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, đơn vị đang phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn đến các khu dân cư, trong đó tập trung hướng dẫn người dân cách nhận diện các loại rác thải theo nhóm, kỹ thuật phân loại từ đó để người dân thực hiện theo. Huyện Văn Lãng hiện có 1 đơn vị thu gom rác, 3 xe ép rác, 1.000 thùng đựng rác chưa đảm bảo để thực hiện phân loại rác, do đó phòng TN&MT huyện đang cân đối nguồn kinh phí và phối hợp với đơn vị liên quan bổ sung thêm trang thiết bị để triển khai phân loại CTRSH tại nguồn. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải đang triển khai trên địa bàn sớm đưa vào hoạt động.
Giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn học sinh phân loại rác. Ảnh: BLS.
Thực hiện Đề án Tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Lạng Sơn đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi hành vi, hình thành thói quen phân loại rác. Đề án Tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP.Lạng Sơn được triển khai tại 45 trường học, 9 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 5 điểm chợ, 77 nhà hàng phục vụ ăn uống và 1 phường Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn với 10 khối phố.
Để thực hiện Đề án, Sở TN&MT đã soạn thảo, phát hành sổ tay hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH, tài liệu tuyên truyền phổ biến kiến thức về phân loại chất thải rắn. Treo áp phích, băng zôn, pano... tại các trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm chợ, các nhà hàng; các phướn tuyên truyền về phân loại CTRSH tại 6 tuyến đường chính của thành phố.
Ngoài ra, đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 240 học viên là cán bộ quản lý môi trường, giáo viên, chủ nhà hàng, siêu thị, điểm chợ trên địa bàn thành phố; phối hợp tổ chức 18 buổi tập huấn và cấp phát trên 8.000kg bao bì đựng rác cho các hộ dân phường Vĩnh Trại... Phát thanh tuyên truyền trên loa phát thanh tại các điểm thực hiện đề án về công tác phân loại rác, tần suất 3 lần/ngày.
Sau 1 tháng thí điểm phân loại rác từ ngày 15/4 đến 15/5/2024, các trường học trên địa bàn TP.Lạng Sơn đã nghiêm túc thực hiện phân loại CTRSH theo đúng sổ tay, tài liệu và hướng dẫn trong buổi tập huấn. Nhà trường đã sử dụng hiệu quả 45 ngôi nhà xanh được cung cấp để thu gom các chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, đồng thời, tích cực tuyên truyền cho các em học sinh biết cách phân loại rác thông qua nhiều hình thức như treo băng zôn, áp phích, bật loa phát thanh, hướng dẫn trực quan trong các buổi sinh hoạt, buổi học ngoại khóa.
Đối với siêu thị, điểm chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, chủ các cơ sở kinh doanh đã có ý thức tuyên truyền đến nhân viên, dán áp phích tại nhà bếp để nhân viên nắm rõ quy định và thực hiện đúng công tác phân loại rác. Tại phường Vĩnh Trại, trong tuần đầu của tháng thí điểm, người dân còn lúng túng trong việc phân loại các loại chất thải, nhầm lẫn bỏ chất thải vào bao bì chứa. Ngay sau đó, các cán bộ cùng khối trưởng đã chung tay vào cuộc để hướng dẫn người dân.
Đức Thành
Bình luận