Hotline: 0941068156
Thứ tư, 14/05/2025 14:05
Thứ tư, 14/05/2025 06:05
TMO - Trước diễn biến thời tiết phức tạp của tình hình thời tiết năm 2025, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung kiểm tra, rà soát và gia cố các hồ, đập thủy lợi nhằm bảo đảm an toàn công trình và giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão sắp tới.
Chủ động ứng phó với mùa mưa lũ năm 2025, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng điều tiết nguồn nước, sửa chữa những hạng mục công trình xung yếu và thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện đúng theo các quy định hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, hồ chứa thủy điện. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 174 công trình hồ chứa nước.
Trong đó Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi quản lý, khai thác và bảo vệ 123 công trình (53 đập, hồ chứa nước lớn; 46 đập, hồ chứa nước vừa; 24 đập, hồ chứa nước nhỏ), 51 hồ chứa nhỏ được giao cho UBND các huyện, thành phố quản lý. Năm 2024, tình hình mưa, bão diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình thủy lợi (92 hạng mục hư hỏng). Ngay sau mùa mưa, bão đi qua, các đơn vị liên quan đã tập trung khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn hồ, đập.
Lãnh đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lộc Bình cho biết: Đơn vị quản lý 15 hồ, đập. Ngay sau mùa mưa, bão năm 2024 kết thúc, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát thực trạng các hồ, đập và đề xuất phương án xử lý kịp thời. Cụ thể từ cuối năm 2024 đến nay, đơn vị đã sửa chữa, nâng cấp, lắp đặt một số hạng mục như: cống đóng, mở; xích tời; cột thủy chí, tràn…tại 4 công trình.
Cùng với đó, các đơn vị liên quan đang tiến hành các bước sửa chữa hồ Thâm Seo, xã Mẫu Sơn. Qua đó tiếp tục củng cố các công trình để đảm bảo an toàn trước mùa mưa, bão năm 2025. Không chỉ Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lộc Bình, từ cuối năm 2024 đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, mực nước hồ thấp, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi tại các huyện, thành phố cũng đã chủ động kiểm tra, rà soát hiện trạng công trình thủy lợi.
Hồ chứa nước Bản Lải, huyện Lộc Bình.
Từ đó xác định các hạng mục hư hỏng, xuống cấp và có phương án xử lý kịp thời. Cụ thể từ cuối năm 2024 đến nay, các đơn vị liên quan đã sửa chữa 13 hạng mục công trình tại các hồ chứa, đến nay đã có 10 hạng mục hoàn thành; 3 công trình hồ chứa đang sửa chữa (gồm hồ Slam Kha, huyện Tràng Định và 2 hồ Nà Pia, Kéo Páng, huyện Văn Lãng).
Hiện nay các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các bước để sửa chữa, nâng cấp 8 hạng mục công trình đầu mối đập, hồ chứa…Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi cho biết, để đảm bảo an toàn hồ, đập, bên cạnh chủ động nắm bắt hiện trạng, triển khai sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, công ty chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế tại các công trình để kịp thời phát hiện hư hỏng và có giải pháp khắc phục kịp thời.
Cùng với đó, công ty chỉ đạo các xí nghiệp chủ động điều tiết mực nước hồ đảm bảo an toàn; phối hợp với các đơn vị liên quan khơi thông dòng chảy đảm bảo thoát lũ mùa mưa, bão; xây dựng phương án ứng phó đảm bảo an toàn hồ, đập trước ngày 15/5/2025… Trước đó, cuối tháng 4/2025, các cấp, ngành, đơn vị liên quan tổ chức rà soát và báo cáo về kết quả kiểm tra hiện trạng an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ năm 2025.
Trong đó xác định 11 công trình hồ, đập xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao; các đập bị thấm, biến dạng mái đấp, nứt thân đập…từ đó có giải pháp nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa bão, tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 13/4/2023 về việc triển khai thực hiện kế hoạch số 89-KH/TU ngày 28/12/2022 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện kết luận 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Chính quyền tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống hồ chứa trước mùa mưa bão. (Ảnh minh hoạ).
Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.
Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước.
Chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu.
Triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo đảm và nâng cao chất lượng độ che phủ rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Đẩy mạnh hợp tác về bảo đảm an ninh nguồn nước.
Kế hoạch đặc biệt nhấn mạnh về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng thoát lũ theo thiết kế (chi tiết danh mục theo Phụ lục 02 kèm theo); lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du các hồ chứa, trong đó ưu tiên các công trình hồ chứa lớn và vừa có nguy cơ rủi ro cao, lưu vực tập trung dòng chảy nhanh, đặc biệt là công trình hồ chứa nước Bản Lải.
Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng mới các đập, hồ chứa nước, công trình điều tiết nguồn nước tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt để tích trữ nước, chuyển nước, cắt giảm lũ; nâng cấp, hiện đại hóa các công trình bảo đảm an toàn chống lũ kết hợp kiểm soát nguồn nước.
Rà soát, đánh giá lại công năng, nhiệm vụ, quy trình vận hành của các đập, hồ chứa nước, nạo vét bồi lắng lòng hồ, bảo đảm dung tích phòng lũ của hồ chứa theo thiết kế; tiếp tục ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình đập, hồ chứa nước.
Từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo, cơ sở thông tin dữ liệu liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, kết nối với hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn để phục vụ quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước theo thời gian thực. Tăng cường công tác quản lý, vận hành các đập, hồ chứa nước, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập…/.
Khánh Ngọc
Bình luận