Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 02:11
Thứ ba, 01/11/2022 19:11
TMO - 10 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,35 triệu lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 83,7% so với cùng kỳ.
Theo thống kê, trong tháng 10/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 484,4 nghìn lượt người, tăng 12,1% so với tháng trước và gấp 45,9 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 10 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.357,2 nghìn lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 83,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tổng số hơn 2.357,2 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 2.093,7 nghìn lượt người, chiếm 88,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 24,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến bằng đường bộ đạt 262,8 nghìn lượt người, chiếm gần 11,2% và gấp 6,5 lần; bằng đường biển đạt 745 lượt người, chiếm 0,03% và tăng 49,3%.
Lồng ghép du lịch trải nghiệm trong xây dựng nông thôn mới. (Ảnh minh hoạ)
Châu Á có số lượng khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất 10 tháng đầu năm 2022, với hơn 1,6 triệu người, gấp 15,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có lượt khách du lịch đến Việt Nam đông nhất trong 10 tháng đầu năm 2022 với hơn 619.000 người, gấp 24 lần so với cùng kỳ năm 2021. Xếp thứ 2 về lượng khách du lịch đến Việt Nam là Hoa Kỳ với hơn 218.000 lượt người, tăng 74 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Thu hút khách du lịch quốc tế
Nhằm tận dụng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian còn lại của năm 2022, giới chuyên gia cho rằng các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá…, đây chính là thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương nhằm phát huy thế mạnh mỗi bên…, tạo sức mạnh tổng lực cho toàn ngành, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt với khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, các địa phương cần tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần lưu ý đến công tác bảo tồn thiên nhiên, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, đặc biệt đối với du lịch biển, sinh thái, nông thôn.
Lý Lan
Bình luận