Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ năm, 23/05/2024 08:05
TMO - Lâm Đồng là một trong các tỉnh Tây Nguyên chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Điều này đã tác động đến các vùng, các địa phương, các ngành, các lĩnh vực kinh tế, nhất là tài nguyên, môi trường, du lịch và đời sống người dân trên địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, một số loại hình thiên tai thường xảy ra như: Lốc xoáy, mưa đá, nắng nóng, hạn hán, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất,… Mức độ tác động, quy mô ảnh hưởng và tần suất xuất hiện ngày càng gia tăng. Trong 25 năm, nền nhiệt ở đây đã tăng 0,3 - 0,5 độ C; Có sự chênh lệch lớn lượng mưa giữa mùa mưa và mùa khô trong năm, trung bình lượng mưa mùa khô chỉ chiếm 20 - 23% tổng lượng mưa của năm, có năm 10%.
Nhiều năm qua, Lâm Đồng đã xác định công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Lâm Đồng đã triển khai nhiệm vụ lập báo cáo đánh giá giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH trên địa bàn nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, cập nhật đóng góp về thích ứng với BĐKH phục vụ đánh giá nỗ lực toàn cầu định kỳ, đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương do BĐKH.
Nhận thức được công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định sự phát triển bền vững của địa phương. Vì vậy, công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện quyết liệt. Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định công tác tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Ban Bí thư, đặc biệt là Nghị quyết 24-NQ/TW là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.
Tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương sớm ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của địa phương về thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu. Đặc biệt trong những năm gần đây, thông qua các chương trình, kế hoạch tuyên truyền các sở, ban, ngành trên địa bàn đã triển khai công tác chủ động ứng phó biến đổi khí hậu trong nhiều lĩnh vực chuyên môn như tập trung tuyên truyền giảm phát thải cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cộng đồng dân cư, đối với hoạt động ứng phó tập trung tuyên truyền tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung gần Vườn Quốc gia, rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đã chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, những năm qua, địa phương này đã thực hiện các giải pháp đột phá để ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là việc gia tăng của các loại hình thiên tai, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, diện tích nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh đạt 66.873 ha, chiếm 20,4% tổng diện tích đất canh tác, có 9 vùng nông nghiệp công nghệ cao và 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận.
Mức độ ứng dụng công nghệ cao có tính đa dạng với nhiều kỹ thuật tiên tiến: 46.920 ha tưới tiết kiệm nước (trong đó 41.949 ha tưới phun mưa, 4.971 ha tưới nhỏ giọt và trên 50 ha thủy canh hồi lưu); canh tác rau, hoa trên giá thể đạt trên 718 ha; 60 cơ sở nhân giống invitro, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 75 triệu cây giống invitro các loại; có trên 160 ha nhà kính nhập khẩu với công nghệ hiện đại có giá trị đầu tư trên 1 triệu USD/ha. Nông nghiệp thông minh có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cây trồng, vật nuôi giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, chip điện tử theo dõi sức khỏe vật nuôi...; đồng thời giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT.
Trong sản xuất trồng trọt, toàn tỉnh có trên 465 ha ứng dụng công nghệ thông minh, tập trung trên rau, hoa, dâu tây và chè; giúp người sản xuất giảm 10-20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động cho các trang trại; giúp tăng lợi nhuận 15-20% so với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong chăn nuôi, các doanh nghiệp lớn đã ứng dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR (Total mixing rotation), robot đẩy thức ăn tự động, hệ thống vắt sữa tự động rotary, gắn chip điện tử (SCR) cho bò sữa,… Ứng dụng công nghệ thông minh giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tối ưu cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế; góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.
Cùng với những giải pháp thích ứng trong hoạt động sản xuất, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh được chú trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra có 2 sự cố công trình, và nhiều sự cố có liên quan đến công trình xây dựng do thiên tai gây ra. Cơ quan chức năng cũng đã thống kê tồn tại 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất.
Năm 2023 cũng xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản do sự cố về sạt lở như vụ sạt trượt đất tại TP.Đà Lạt và Bảo Lộc làm một số người thiệt mạng và bị thương, một số căn nhà bị sập. Vụ thiệt hại rất lớn là sau trận mưa từ đêm 28 đến rạng sáng 29/6/2023 với lượng mưa lên đến 200 mm đã gây sạt lở, ngập lụt nhiều nơi, trong đó vụ sạt lở đất, sập bờ taluy nghiêm trọng tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, Phường 10, TP.Đà Lạt làm 2 người chết, 5 người bị thương, ảnh hưởng nhiều ngôi nhà của người dân đến nay vẫn chưa thể khắc phục.
Ngày 30/7/2023, xảy ra một số điểm sạt trượt đất, ngã đổ cây rừng, cây xanh tại đèo Bảo Lộc (thuộc địa phận huyện Đạ Huoai) và vùi lấp trụ sở Trạm Cảnh sát Giao thông tại Km 103+300, Quốc lộ 20, khu vực nằm giữa đèo Bảo Lộc. Hậu quả vùi lấp 4 người (gồm 3 chiến sỹ công an và 1 người dân), hư hỏng 2 xe ô tô; vụ sạt trượt, nứt đất tại Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh huyện Lâm Hà và ngày 3/8/2023, lại xảy ra một vụ sụt lún đất làm đứt gãy đường tránh Quốc lộ 20 thuộc địa phận phường Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc…
Lâm Đồng chú trọng đến công tác quản lý xây dựng trước tình hình biến đổi khí hậu cực đoan. Ảnh:
Những vụ việc nêu trên cho thấy tình hình thiên tai, khí hậu hiện nay trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp và khó lường, vì vậy mà công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong giai đoạn hiện nay cần phải được quan tâm và nâng cao hơn nữa để đảm bảo an toàn sinh mạng, an toàn cộng đồng; dự báo và phòng ngừa các tai nạn, sự cố có thể xảy ra; đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo sự phát triển bền vững chung của ngành Xây dựng tỉnh Lâm Đồng.
Quản lý xây dựng trước tình hình biến đổi khí hậu cực đoan đã trở thành một vấn đề cấp bách trong thời gian gần đây. Do vậy giải pháp cần được thực hiện ngay bây giờ là tăng cường kỷ luật và quản lý trật tự xây dựng cũng như đô thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần tiến hành khảo sát và đánh giá các khu vực có nguy cơ sạt trượt và ngập lụt để tìm ra các giải pháp phù hợp cho từng trường hợp. Nhà nước, cần ưu tiên kinh phí để nâng cấp hệ thống thoát nước hiện có, duy trì và bảo dưỡng hệ thống thoát nước thường xuyên. Quan tâm chỉ đạo việc thu gom bùn rác, làm sạch các hố ga, cống và kênh mương, đồng thời khơi thông dòng chảy để đảm bảo hệ thống thoát nước hoạt động hiệu quả.
Trong dài hạn, cần thuê các chuyên gia tư vấn có năng lực để khảo sát hệ thống cấp thoát nước, địa hình và điều kiện tự nhiên để đề xuất các giải pháp chống ngập cục bộ. Điều này bao gồm việc xây dựng bản đồ hiện trạng ngập úng, dự báo ngập úng đô thị theo giai đoạn quy hoạch, lập bản đồ cao độ nền toàn đô thị, và đồng bộ hóa các công trình thoát nước với hồ điều hoà, hồ chứa khác. Đặc biệt, phải có kế hoạch vận hành phối hợp với dự báo và cảnh báo sớm.
Ngoài ra, tỉnh cần cải thiện chất lượng dự báo thời tiết và mưa tại các khu vực trên địa bàn tỉnh; rà soát và điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên và giới hạn tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, đầu tư vào công nghệ và nghiên cứu phát triển các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và chống chịu được biến đổi khí hậu. Quản lý xây dựng trước tình hình biến đổi khí hậu cực đoan cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các chuyên gia và người dân. Vì vậy, cần xây dựng một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chung để theo dõi và đánh giá tình trạng xây dựng và quản lý đô thị, từ đó đưa ra các quyết định và giải pháp hiệu quả.
Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Lâm Đồng) cho biết: Thời gian qua, địa phương đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát BĐKH trên địa bàn tỉnh; Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn bảo đảm cảnh báo, dự báo sớm các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan. Thông qua đánh giá môi trường, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đều ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển ngành nghề theo hướng thân thiện, có lợi cho môi trường, hạn chế phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Hồng Thắm
Bình luận