Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 03:11
Thứ ba, 28/03/2023 08:03
TMO - Hiện nay, Lâm Đồng đang bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết diễn biến thất thường, nguy cơ hạn hán cao ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương cầntriển khai giải pháp đồng bộ chủ động phòng chống hạn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhiều địa phương trong tỉnh đang có nguy cơ hạn hán cục bộ trong thời điểm cuối tháng 3 này do lượng mưa hiện đang thấp hơn từ 70 – 100% và tổng lượng dòng chảy sông suối thấp hơn 19% so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, các địa phương có nguy cơ hạn hán cao gồm huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Đây là những địa bàn có diện tích cây trồng hàng năm và cây trồng lâu năm nhiều nhất tỉnh với tổng diện tích hơn 160.000 ha.
Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đối diện với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng.
Theo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa rất thấp, chỉ đạt 50% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng 3 trên toàn tỉnh phổ biến không mưa; dung tích trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện tại đạt trung bình khoảng 75% dung tích thiết kế. trong thời gian tới, nếu tiếp tục nắng kéo dài, không có mưa trái mùa dự báo có khoảng 300 đến 500 ha cây trồng thiếu nước tưới và khoảng 200 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thông tin, mùa khô năm 2023 trên địa bàn Lâm Đồng sẽ có lượng mưa ở mức bằng và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Ghi nhận giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2023, tổng lượng dòng chảy trên các sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm, gây nguy cơ hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cảnh báo khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra cục bộ ở mức trung bình đến cao.
Trước tình hình trên, để chủ động và đạt hiệu quả trong công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước trong cao điểm mùa khô sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán thiếu nước. Trong đó, nhấn mạnh việc các đơn vị, địa phương phải liên tục theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, nắm bắt tình hình sản xuất để kịp thời báo cáo đề xuất lên UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nhằm đưa ra các chỉ đạo kịp thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chống hạn.
Chủ động bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Riêng đối với những khu vực cách xa công trình thủy lợi, khu vực không có công trình thủy lợi, khu vực canh tác dựa vào nước trời, nước hồi quy từ các công trình thủy lợi, khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang những cây trồng ít dùng nước, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất...
Việc vận hành, điều tiết lượng nước từ các công trình thủy lợi là nhiệm vụ quan trọng để địa phương này chủ động phòng chống hạn hán. Ảnh: QH.
Theo kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong trường hợp hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh, đơn vị đề nghị UBND tỉnh xem xét đề xuất các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện các biện pháp công trình với kinh phí trên 120 tỷ đồng. Đồng thời, xem xét bố trí kinh phí để nạo vét, khơi thông cửa cống, dòng chảy công trình thủy lợi… trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự kiến gần 52 tỷ đồng nhằm chủ động ứng phó với hạn hán năm 2023.
Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đối với sản xuất lúa ở vùng có nguy cơ thiếu nước, cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất để tránh hạn; đẩy mạnh chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn. Vùng không có khả năng tưới, cần chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do hạn hán.
Đối với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày tùy theo điều kiện đất đai, điều kiện nước tưới, tình hình thị trường và tập quán canh tác để bố trí cây trồng hợp lý; tập trung sản xuất cây rau màu ngắn ngày để tận dụng nguồn nước tưới. Tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước, trong đó cần chủ động phân bổ kinh phí để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước với nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh phê duyệt.
C. Thành
Bình luận