Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ tư, 16/11/2022 19:11
TMO - Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trong thời gian 12 tháng với kỳ vọng tạo nét văn minh đô thị, thân thiện, bảo vệ môi trường.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất UBND thành phố cho phép doanh nghiệp tổ chức triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận nội thành với thời gian thí điểm là 12 tháng. Trong thời gian triển khai thí điểm, doanh nghiệp vận hành đề xuất sẽ không thu phí sử dụng vỉa hè và được phép thu phí sử dụng dịch vụ.
Giai đoạn tiếp theo, căn cứ vào số liệu vận hành thực tế, công ty sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kết quả triển khai làm căn cứ báo cáo, đề xuất UBND TP Hà Nội về nội dung này. Cụ thể, theo đề xuất của doanh nghiệp sẽ triển khai giai đoạn 1 với quy mô 1.000 xe (50% là xe đạp điện), 94 vị trí đặt xe, với tổng vốn đầu tư khoảng 30,2 tỷ đồng.
Mô hình dịch vụ xe đạp tại TP. HCM sau khi thí điểm triển khai được cơ quan chức năng đánh giá "mang lại hiệu quả".
Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống cũng có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Lý giải về đề xuất của doanh nghiệp xin được miễn phí sử dụng tạm thời hè phố trong giai đoạn đầu tư (hay trong thời gian 1 năm thí điểm), quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là tạo điều kiện ban đầu cho doanh nghiệp triển khai dịch vụ. Sở này khẳng định, việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng sẽ tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và thành phố trong việc thu hút đầu tư xã hội hoá trong phát triển giao thông công cộng.
Theo tính toán của doanh nghiệp, với số vốn ban đầu doanh nghiệp đầu tư thì cũng mất rất nhiều thời gian để thu hồi được vốn. Do đó, doanh nghiệp sẽ không thực hiện được phương án “không thu phí dịch vụ xe đạp đô thị trong thời gian thí điểm”. Chưa kể khả năng hoàn vốn với phương án vé, quy mô và số lượng hành khách tương tự như TP. HCM cần ít nhất 7 năm mới thu hồi vốn đã chi đầu tư ban đầu và chi phí quản lý trong thời gian đó.
Từ tổng hợp kinh nghiệm triển khai thí điểm tại TP. HCM, Hà Nội đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội,” Sở GTVT cho rằng, cần có dịch vụ xe đạp công cộng góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối các di chuyển ngắn giữa các khu vực dân cư, các bến xe, nhà ga tàu điện... Dịch vụ xe đạp công cộng là một phương án tốt bảo đảm phục vụ người dân.
Được biết trước đó (năm 2016) Hà Nội cũng chấp thuận cho một doanh nghiệp thí điểm cho thuê xe đạp và xe đạp điện sử dụng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn triển khai phải dừng, không thể duy trì tiếp.
Lý Lan
Bình luận