Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 26/01/2025 14:01
Thứ năm, 07/12/2023 20:12
TMO – Giai đoạn 2021-2030, Lai Châu phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, tỷ lệ thôn, bản, khu dân cư có nhà văn hoá đạt 88%; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt trên 86%; tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 78%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 98%.
Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vừa được Chính phủ phê duyệt) đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ khai thác hiệu quả các cơ hội, nguồn lực bên trong và bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng đóng góp của ngành dịch vụ, tập trung phát triển kinh tế biên mậu và du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng địa phương; nông nghiệp phát triển theo hướng đa giá trị, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
(Ảnh minh họa)
Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là hạ tầng liên kết vùng. Khoa học, công nghệ được ứng dụng hiệu quả, kinh tế số phát triển, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Về kinh tế, Lai Châu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9% - 11% trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng khoảng 5,0%/năm; ngành công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 13,6%/năm; ngành dịch vụ tăng khoảng 7,9%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,1%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 48,5%; ngành dịch vụ chiếm 33,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,0%.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 116,6 triệu đồng/người/năm (tương đương 4.266 USD theo giá hiện hành). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%. Tỷ lệ thôn, bản, khu dân cư có nhà văn hoá đạt 88%; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt trên 86%; tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 78%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 98%...
Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, phát triển toàn diện; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Quy hoạch tỉnh Lai Châu đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; Tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu - cụm công nghiệp; Phát triển hạ tầng thông tin và tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực;
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua thu hút nhân tài và cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực tại chỗ, khơi dậy khát vọng phát triển, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp. Phát triển du lịch theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, khai thác tối đa nguồn lực và lợi thế hiện có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; đồng thời, tập trung thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng và hiện đại có đủ điều kiện để phục vụ du lịch quy mô lớn, trong đó tập trung phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao và vui chơi có thưởng, du lịch mạo hiểm - khám phá, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng.
Tăng trưởng năm 2022 ước đạt 8,96%
Nhờ áp dụng nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội năm 2022 cơ bản đạt và vượt theo kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước đạt 8,96%, vượt 1,26% kế hoạch. Trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,1%; công nghiệp và xây dựng tăng 13,2%; dịch vụ tăng 6%. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 48,38 triệu đồng, vượt chỉ tiêu (kế hoạch 47,9 triệu đồng), tăng 3,9 triệu đồng so với năm 2021. Nổi bật là tổng sản sản lượng lương thực ước đạt 225.000 tấn, vượt kế hoạch 1.500 tấn. Diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả đều vượt chỉ tiêu. Công tác trồng mới vượt 49,6%; công tác bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện đúng quy định. Triển khai thực hiện Đề án nông thôn mới gắn với du lịch đạt được những kết quả tích cực.
Tỉnh Lai Châu đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đánh giá phân hạng 2 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao của tỉnh; kết quả đánh giá phân hạng đợt một năm 2022 có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, đến nay toàn tỉnh đã có 124 sản phẩm OCOP. Sản xuất công nghiệp có mức tăng khá, vượt 3,3% kế hoạch, tăng 14,7% so với năm 2021. Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt vượt 57,3% so với dự toán Trung ương giao, vượt 51,7% so với dự toán HĐND tỉnh Lai Châu giao.
VŨ MINH
Bình luận