Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 09/05/2025 18:05
Thứ sáu, 09/05/2025 06:05
TMO - Trước mùa mưa bão năm 2025, thành phố Lai Châu đã và đang tăng cường đẩy nhanh tiến độ cắt tỉa cây xanh nhằm phòng tránh gẫy, đổ, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa sắp tới.
Thực hiện nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống thiên tai, thành phố Lai Châu đã chủ động thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng thời, chỉ đạo các phòng ban theo dõi, nắm bắt tình hình, phối hợp với các đơn vị chức năng khác để triển khai ứng cứu, xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, rà soát cây khô, cây có nguy cơ ngã đổ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đã tiến hành rà soát, đánh giá tình trạng cây xanh trên các tuyến đường, công viên và khu dân cư. Đặc biệt, chú trọng đến những cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, cây có cành vươn, đặc biệt là cành khô, sâu mục… để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.
Ngoài việc cắt tỉa cây xanh, các đơn vị chức năng còn thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai khác như gia cố cọc chống, cắt tỉa tán cây mới trồng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để cây không bị nghiêng ngả, đổ khi gió lớn. Bố trí nhân lực, các phương tiện, máy móc đảm bảo hoạt động tốt trong trường hợp cấp thiết ứng phó với các tình huống thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn cây xanh cũng được chú trọng. Các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động phát hiện và báo cáo các cây có dấu hiệu nguy hiểm, phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác cắt tỉa, chăm sóc cây xanh.
Công tác cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão là một trong những biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạ tầng đô thị. Với sự chủ động và quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của người dân, tỉnh Lai Châu đang nỗ lực giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để bảo vệ cây xanh và phòng tránh những trường hợp cây gãy đổ có thể xảy ra trong mùa mưa bão, thời gian gần đây, các đơn vị chức năng của thành phố Lai Châu đang đẩy nhanh tiến độ chặt tỉa cây xanh, đốn hạ những cây bị sâu. Thành phố Lai Châu là trung tâm hành chính, kinh tế - xã hội, chính trị của tỉnh Lai Châu.
Cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạ tầng đô thị. (Ảnh: Internet).
Do vậy, hệ thống cây xanh, cây cảnh trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư tương đối hoàn chỉnh; quy hoạch chi tiết cây xanh được UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ về trồng, chăm sóc cây xanh, cây cảnh đô thị. Hiện nay, thành phố đang quản lý, chăm sóc 26.560 cây bóng mát (trong đó: cây xanh trên các tuyến đường: 14.284 cây; cây xanh tại khuôn viên cây xanh, khu vực tập trung: 12.276 cây), trên 10.500 cây tạo hình và trên 314.000m2 thảm cỏ đô thị. Tổng diện tích cây xanh khoảng hơn 400ha.
Thời gian qua, việc quản lý, chăm sóc hệ thống cây xanh được UBND thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị thành phố quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên theo đúng quy định.
Trong đó, phối hợp với UBND các xã, phường tăng cường công tác quản lý, không để tình trạng tự ý chặt phá cây xanh không đúng quy định xảy ra. Thực hiện tốt công tác tham mưu chặt hạ, thay thế cây xanh; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chăm sóc, duy trì cây xanh, cây cảnh theo từng năm. Chủ động ban hành hoặc tham mưu cho UBND thành phố Lai Châu ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành công tác chăm sóc cây xanh. Chú trọng công tác chăm sóc thường xuyên hệ thống cây xanh theo quy định. Hằng năm, căn cứ tình hình thực tế, Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị thành phố sẽ triển khai 1 đợt cao điểm thực hiện công tác cắt tỉa cây xanh vào tháng 4, tháng 5.
Công tác cắt tỉa cây xanh được thực hiện trên tất cả các tuyến đường, khuôn viên nhằm loại bỏ cành chết, cành mục trên thân cây, cắt bỏ cành nhánh có tán rộng hoặc vươn dài có nguy cơ gãy; cắt tỉa thông thoáng tán lá, đảm bảo cân tán, hạ thấp chiều cao cây, tiếp tục cải tạo cây già cỗi, sâu bệnh, cong, nghiêng không đạt yêu cầu thẩm mỹ.
Đồng thời kiểm tra, phát hiện cây có nguy cơ không đảm bảo an toàn để có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Việc xử lý kịp thời sẽ giảm thiểu thiệt hại cây gãy đổ khi mưa bão và đảm bảo an toàn cho tài sản, người dân khi tham gia giao thông. Công tác cắt tỉa cây xanh cũng sẽ được Phòng chỉ đạo các đơn vị chăm sóc duy trì, ứng trực để xử lý ngay những sự cố cây gãy đổ trong và sau mùa mưa.
Hiện nay, hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố Lai Châu phát triển tương đối đồng bộ, tạo cảnh quan môi trường, bóng mát cho các tuyến phố, khu dân cư. Toàn thành phố có trên 80 tuyến đường và các khuôn viên hợp khối tỉnh, thành phố được trồng hàng chục nghìn cây xanh các loại, chủ yếu là sấu, xà cừ, bằng lăng, lát, ban trắng.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc cây xanh đô thị, Phòng Quản lý đô thị thành phố xây dựng kế hoạch, giao các đơn vị chăm sóc cây xanh căn cứ kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo công chức đơn vị thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu chăm sóc, cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão.
Cành cây sau cắt tỉa được thu gom gọn gàng. (Ảnh: PĐ).
Trước đó, trong 2024, thời tiết tỉnh Lai Châu diễn biến phức tạp, thiên tai, mưa lớn, mưa đá, sạt lở đất... gây ảnh hưởng nghiêm trọng về người và tài sản của nhà nước và Nhân dân. Dự báo năm 2025, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp và khó lường, nhất là các loại thiên tai như: Dông lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất....
Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND 13-3-2025 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các nội dung gồm kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ huy) ở các cấp, các ngành theo quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 nhằm phát huy những ưu điểm, những chương trình, dự án, công việc mang lại hiệu quả thiết thực. Quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai; chương trình, kế hoạch hành động thực hiện do nhà nước và UBND tỉnh ban hành.
UBND, chính quyền các cấp có trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, kiểm soát các công trình thi công, nắm bắt chặt chẽ diễn biến thiên tai. Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương, sở ban ngành khác tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đập, hồ chứa thủy lợi trước mùa mưa lũ.
Giao Văn phòng thường trực Ban chỉ huy tỉnh liên hệ chặt chẽ với Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lai Châu theo dõi, thông tin kịp thời diễn biến thời tiết để các cấp, các ngành chủ động ứng phó. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp tình hình, dự báo tình huống, đề xuất các giải pháp ứng phó và tổ chức thực hiện hiệu quả…/.
Hoàng Quân
Bình luận