Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 25/01/2025 08:01
Thứ ba, 02/01/2024 14:01
TMO – Dù đã đạt được nhiều thành quả trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiền năng, lợi thế của tỉnh.
Theo Thông báo từ Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Lai Châu có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu với đường biên giới dài trên 265 km giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; hiện có 01 cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, 01 cặp cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng và 06 lối mở. Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, gồm cả khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, trong đó có đất hiếm và nguồn nước khoáng. Khí hậu trung tính và tương đối ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão. Tài nguyên đất khá đa dạng, thuận lợi phát triển cây lương thực, cây ăn quả, cây dược liệu, đặc biệt là một số loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, như: Sâm, cao su, chè, quế, sơn tra, mắc ca… Diện tích rừng lớn (trên 494.000 ha), trong đó diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm 58,8%, rừng sản xuất chiếm 41,2%, vừa đảm bảo an ninh môi trường, vừa đủ diện tích phát triển rừng sản xuất, tạo sản phẩm gỗ và lâm sản để phát triển kinh tế. Tài nguyên nước phong phú với vị trí nằm trong khu vực đầu nguồn và phòng hộ đặc biệt xung yếu, điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thủy điện lớn trên sông Đà, đảm bảo sự phát triển bền vững cả vùng châu thổ sông Hồng, có nhiều thác ghềnh, lưu lượng lớn, tiềm năng thủy điện lớn.
Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu hôm 19/11/2023.
Lai Châu có nền văn hóa đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, giàu tiềm năng du lịch. Nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Thái được UNESCO ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc, những nét đặc sắc về ẩm thực, trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán; các nghề thủ công truyền thống được gìn giữ và phát triển mạnh; nhiều danh lam, thắng cảnh giàu tiềm năng. Với nhiều tiềm năng khác biệt và nguồn lực phong phú, đa dạng, tỉnh Lai Châu hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, xanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá, biên giới vững chắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Về phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng được thúc đẩy, GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 3,91%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Dịch vụ, du lịch được quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khách du lịch tăng bình quân 33,2%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của Nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2023 giảm bình quân 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm bình quân 4,7%...
Tuy nhiên, Thông báo chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Lai Châu còn một số tồn tại, hạn chế như: Quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng chưa cao; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế chưa rõ nét; thu chưa đủ chi. Xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn và thiếu tính ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; đến hết tháng 10 mới giải ngân 43,2% kế hoạch. Công tác quy hoạch, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Số doanh nghiệp hoạt động còn ít; chưa thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ nghèo còn cao, còn 04/07 huyện trong danh sách huyện nghèo. An ninh chính trị, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tình trạng di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm ma túy vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp...
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cần tỉnh Lai Châu cần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, xanh và bền vững trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường; biến nguy thành cơ; biến không thành có; biến di sản thành tài sản; biến tiềm lực thành nguồn lực; vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình, không trông chờ, ỷ lại. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng tinh thần phát triển tỉnh. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Cần hết sức chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; cấp điện cho khu vực nông thôn, vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; tập trung ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là những nông sản có thế mạnh của địa phương (lúa chất lượng cao, cao su, mắc ca, quế, dược liệu...).
Triển khai hiệu quả Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" - OCOP. Thu hút đầu tư các nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.
(Ảnh minh họa)
Đồng thời, Lai Châu phải cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là chế biến nông sản, sản xuất vật liệu, phát triển ngành điện năng, khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng xanh, bền vững. Phát triển ngành dịch vụ theo hướng đột phá, trong đó tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Lai Châu (du lịch sinh thái, trải nghiệm, chữa bệnh, kết hợp nông nghiệp...). Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Lai Châu nhất là tại huyện Sìn Hồ; tăng cường liên kết du lịch với các trung tâm du lịch và các tỉnh lân cận. Tập trung phát triển thương mại điện tử, kinh tế biên mậu.
Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Lai Châu. Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình kinh tế hay, giúp bà con thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển tín chỉ các bon rừng, khí metan và phát triển điện sinh khối…
Lai Châu là tỉnh nằm ở miền núi Tây Bắc, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tỉnh Lào Cai; phía Đông giáp các tỉnh Lào Cai, Yên Bái; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên; phía Nam giáp tỉnh Điện Biên, Sơn La. Lai Châu có 265,165km đường biên giới Việt - Trung, có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới trực tiếp giao lưu với vùng lục địa rộng lớn phía Tây Nam của Trung Quốc; được gắn với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bằng các tuyến quốc lộ 4D, 70, 32 và đường thủy sông Đà, tiềm năng phát triển dịch vụ - thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch. Đồng thời, tỉnh Lai Châu cũng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Là vùng đầu nguồn rộng lớn và phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà, địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nên Lai Châu có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia mà trực tiếp là các công trình thủy điện lớn trên sông Đà và vùng châu thổ sông Hồng.
BÙI HOÀNG
Bình luận