Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 25/01/2025 08:01
Chủ nhật, 07/01/2024 15:01
TMO – Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm. Nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 18 - 17%, công nghiệp - xây dựng khoảng 33 - 35% và dịch vụ khoảng 43 -45% trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN.
Định hướng phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông).
Đến năm 2030, Kon Tum phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 18 - 17%, công nghiệp - xây dựng khoảng 33 - 35% và dịch vụ khoảng 43 -45%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 3% - 4%/năm.
Phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng "ba quốc gia, một điểm đến"; sản phẩm dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khác. Tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch sinh thái Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên tập trung đầu tư phát triến kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ). Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh trong liên kết vùng, bao gồm: Chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm sản chủ lực gắn với chế biến; chuỗi giá trị năng lượng tái tạo; chuỗi giá trị ngành hàng khai khoáng.
Quy hoạch xác định phát triển 03 trung tâm đô thị động lực: Đô thị trung tâm (thành phố Kon Tum và các đô thị vệ tinh, cửa ngõ); Trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y); Trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng đen và Khu du lịch sinh thái Măng Đen). Phát triển 03 hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị động lực chủ đạo gồm: Hành lang đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và cao tốc Bắc Nam; Hành lang quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; Hành lang quốc lộ 40B.
Kon Tum nằm trong vùng Tây Nguyên có diện tích tự nhiên khoảng 9.676,5 km2, chiếm trên 3% diện tích toàn quốc, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam (chiều dài ranh giới 142 km); phía Nam giáp tỉnh Gia Lai (203 km), phía Đông giáp Quảng Ngãi (74 km), phía Tây giáp hai nước Lào và Campuchia (có chung đường biên giới dài 280,7 km). Cũng như các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Kon Tum có thế mạnh và tiềm năng về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch – dịch vụ và tài nguyên thiên nhiên.
VÂN NHI
Bình luận