Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ ba, 09/07/2024 14:07
TMO - Ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum triển khai đồng bộ các giải pháp đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 594 công trình thủy lợi do ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố của tỉnh quản lý, vận hành khai thác. Trong đó, có 19 đập, hồ chứa lớn; 28 đập, hồ chứa vừa, 539 đập, hồ chứa nhỏ và 7 trạm bơm điện.
Ngay từ đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị quản lý, sử dụng các công trình hồ chứa, đập thủy lợi tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình và tình hình tích nước. Trong số 85 công trình hồ chứa, có 32 công trình hồ chứa mới được xây dựng hoặc đã được sửa chữa, nâng cấp nên không tiến hành kiểm tra.
Đối với 53 công trình còn lại, lực lượng chức năng xác định, 36 công trình có kết quả đánh giá an toàn - mức A; 14 công trình có kết quả đánh giá cơ bản an toàn - mức B; 3 công trình đánh giá có nguy cơ mất an toàn cao - mức C (là: hồ chứa Đội 6, Đội 4 thuộc huyện Sa Thầy và hồ chứa Kon Chênh thuộc huyện Kon Plông). Đối với các công trình thủy lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 504 đập và 7 trạm bơm. Qua đó, lực lượng chức năng xác định có 22 đập bị hư hỏng, xuống cấp, cần sớm sửa chữa, khắc phục.
Ngay từ đầu năm 2024, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị quản lý, sử dụng các công trình hồ chứa, đập thủy lợi tiến hành kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi.
Thời gian qua, các đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh được vận hành đảm bảo yêu cầu phòng, chống lũ, chưa xảy ra sự cố mất an toàn công trình. Tuy nhiên, hiện tại, có nhiều công trình thủy lợi quy mô nhỏ được xây dựng lâu, kết cấu đơn giản, biện pháp thi công trước đấy chủ yếu bằng thủ công, nên qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, không đảm bảo nhiệm vụ cung cấp nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và điều tiết, cắt lũ, giảm nhẹ thiệt hại mưa lũ gây ra trong mùa mưa.
Trong khi đó, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu kéo theo sự gia tăng về tần suất và cường độ mưa lũ, gây áp lực rất lớn đến các công trình, nhất là hồ chứa, đập dâng có tràn xả lũ tạm bằng đất hoặc không có đường quản lý vận hành, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra, dẫn đến nguy cơ mất an toàn đồ, đập cao trong mùa mưa lũ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã có phương án đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2024. Sở yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác công trình tiến hành bố trí lực lượng đảm bảo về năng lực chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành; tổ chức bảo dưỡng máy móc, thiết bị và vận hành thử thiết bị; khơi thông bùn, cát trước cống lấy nước, tràn xả lũ và phát quang toàn bộ mái đập, tràn xả lũ thông thoáng để kiểm tra trong mùa mưa lũ.
Trong thời gian xảy ra mưa lũ, các đơn vị tổ chức vận hành công trình đập, hồ chứa nước theo Quy trình vận hành đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên tổ chức kiểm tra các hạng mục công trình, kịp thời phát hiện hư hỏng có khả năng gây mất an toàn cho công trình, tổng hợp báo cáo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh về tình hình thiệt hại các công trình thủy lợi để phối hợp xử lý. Đặc biệt khi có mưa lũ, các đơn vị tổ chức phân công trực 24/24 giờ tại trụ sở Trạm quản lý thủy nông huyện, thành phố và các công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình, đặc biệt theo dõi mực nước các hồ chứa.
Các đơn vị chức năng cũng chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Các đơn vị chức năng cũng chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong điều kiện xảy ra mưa, lũ lớn theo phương châm “4 tại chỗ”; tiến hành vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước; bố trí đầu đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin diễn biến thời tiết; phân công lực lượng cán bộ, công nhân đủ năng lực chuyên môn trực quản lý, vận hành công trình theo đúng quy trình được phê duyệt.
Ngành Nông nghiệp, các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi và các địa phương cũng tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du các đập; huy động lực lượng chủ động tham gia bảo vệ các công trình thủy lợi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum nhận định, hiện nay, khó khăn, vướng mắc của tỉnh là nguồn kinh phí từ giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi không đủ để thực hiện bảo trì, sửa chữa, nâng cấp công trình. Trong khi đó, một số hạng mục công trình thủy lợi cũ bị hư hỏng xuống cấp như: khu vực lòng hồ bị bồi lắng nghiêm trọng, tràn xả lũ tạm bằng đất, đập tạm… không có đường quản lý vận hành và ứng cứu khi sự cố xảy ra có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ. Ngoài ra, nhiều công trình chưa được cấp đất, giao đất nên tình trạng người dân lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình diễn ra phức tạp, nhiều trường hợp đã được địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên rất khó khăn trong việc xử lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị, Trung ương xem xét có chính sách hỗ trợ kinh phí cho tỉnh trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp. Qua đó, đảm bảo an toàn cho các công trình; nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; xây dựng, bổ sung các tuyến đường quản lý, vận hành đối với các công trình chưa có đường quản lý để đảm bảo ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra trong mùa mưa, lũ và thuận lợi cho công tác vận hành, khai thác.
Trước đó, Bộ NN&PTNT ban hành Chỉ thị số 2592/CT-BNN gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024. Theo đó, để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện việc tổ chức tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn; rà soát, kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương các cấp; bổ sung phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, đê điều nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình, nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ"...
Đồng thời, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều trên các tuyên đê từ cấp I đến cấp đặc biệt; chuẩn bị, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, các khu vực được đê bảo vệ trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp mưa, lũ cực đoan vượt tần suất thiết kế...
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình trước mùa mưa, lũ. Đối với những sự cố công trình đã xảy ra trong các mùa mưa, lũ trước cần đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xử lý; đồng thời, lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa, lũ năm 2024; đảm bảo chất lượng, an toàn chống lũ, bão và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão; tuyệt đối không cắt xẻ đê và không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ; đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều xong trước mùa mưa, lũ và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão...
Đối với hệ thống đê điều, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm "4 tại chỗ" khi có tình huống xảy ra. Tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều xảy ra. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và tổng hợp, báo cáo kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.../.
Lê Mạnh
Bình luận