Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ ba, 18/10/2022 10:10
TMO - Vùng Tây Nguyên với diện tích tự nhiên là 54.548 km2 gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), diện tích chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước.
Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu người, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với gần 2,2 triệu người. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng rất kiên cường; có nền văn hóa dân tộc vừa đa dạng, phong phú, vừa có nhiều nét đặc sắc riêng. Đây là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", là "nóc nhà của Đông Dương". Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên.
Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002; GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; công nghiệp phát triển nhanh. Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước như cà phê, cao su, tiêu, cây ăn quả...
Trong toàn vùng, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Công tác giảm nghèo từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá. Công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước đã được các cấp, ngành, địa phương chú trọng và được xác định là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với sinh kế của người dân trong vùng. Quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên được giữ vững; công tác xây dựng Đảng được quan tâm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn không ít khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. Thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước. Nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình của cả nước. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Còn nữa…
Quốc Dũng
Bình luận