Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ năm, 27/04/2023 08:04
TMO - Theo các chuyên gia về quy hoạch đô thị, vỉa hè cũng có hai hình thức: vỉa hè không gian kinh doanh, và vỉa hè công cộng. Hoạt động kinh tế vỉa hè lại có những trường hợp khác nhau, có hộ hoặc người kinh doanh dựa vào không gian mặt đường của mình (hoặc thuê) không phải do lấn chiếm; có trường hợp dựa vào không gian của mình và lấn chiếm thêm vỉa hè công cộng; có trường hợp hoàn toàn do lấn chiếm và có loại hình bán hàng rong.
Góc nhìn từ Hà Nội
Sau những ngày Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, ở nhiều nơi, vỉa hè đã phong quang, sạch đẹp. Tuy nhiên, trong khi phần lớn các hộ kinh doanh tuân thủ quy định, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều tuyến phố của các quận nội thành đã trở lên gọn gàng, thông thoáng thì vẫn còn một số tuyến phố như Cầu Đông, Nguyễn Thiếp (quận Hoàn Kiếm); Phùng Khắc Khoan (quận Hai Bà Trưng),…lại đang tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè bất chấp sự vào cuộc của lực lượng chức năng trên địa bàn. Theo quan sát, một số phố vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, bãi đỗ xe, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Thậm chí, nhiều cá nhân còn ngang nhiên lắp cả mái che để kinh doanh trên vỉa hè.
Thực tế, “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ không phải là việc mới ở Hà Nội, đã có nhiều đợt ra quân rầm rộ được triển khai để hiện thực hóa mục tiêu trên, tuy nhiên kết quả thu được tại các địa phương không đồng đều và chưa được như mong muốn. Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi kết quả thực hiện, tập hợp nguyên nhân tồn tại hạn chế, phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, không ít nơi, người dân vẫn không có vỉa hè để đi, và tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè vẫn tiếp tục tái diễn.
(Ảnh minh họa)
Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực này, lập lại trật tự vỉa hè đang là bài toán khó với nhiều địa bàn ở Hà Nội. Để giải bài toán này, đòi hỏi thành phố cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, gồm cả giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong đó, vấn đề quan trọng cần thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn đặc thù, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.
Đồng thời, Hà Nội có thể nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè có trả phí, bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường ở những nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, đơn vị chức năng công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của người dân thì tiến hành số hóa để tổ chức thực hiện. Trước mắt, có thể sớm triển khai thí điểm làm trước một số khu vực phù hợp, hoặc các “điểm nóng” về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kết hợp với kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với bộ phận dân cư có sinh kế vốn gắn liền với các hoạt động “kinh tế vỉa hè”; từ đó, tạo sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền trong việc lập lại trật tự vỉa hè.
Thiết lập hay loại bỏ?
Hiện nay, việc lập lại trật tự vỉa hè đang được thực hiện quyết liệt ở nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,... chủ yếu là giải tỏa tình trạng lấn chiếm bất hợp pháp vỉa hè công cộng. Việc đó là cần thiết và cần tuyên truyền vận động để thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật. Trên thực tế khi các hộ kinh doanh đều thôi lấn chiếm vỉa hè công cộng mà chỉ dựa vào không gian của mình thì các hoạt động “kinh tế vỉa hè” vẫn diễn ra bình thường, thậm chí tốt hơn vì đường thông, hè thoáng, khách đến đông hơn. Vậy việc quy định đâu là không gian “riêng” đâu là không gian công cộng cần được các nhà quy hoạch làm rõ để có những chế tài quản lý hữu hiệu. Rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò của kinh tế vỉa hè trong quá trình vận động phát triển và những lợi ích trong nền kinh tế và văn hóa của Việt Nam, trong khi những bất cập của nó hoàn toàn có thể khắc phục nếu có chính sách đúng đắn.
Theo các chuyên gia, thế giới cũng có nhiều mô hình về “kinh tế vỉa hè” rất đặc trưng có sử dụng vỉa hè công cộng. Paris nổi tiếng với những quán cafe bên đường mà nhiều người nói ở Việt Nam có những điểm khá tương đồng. Hay Singapore, Hồng Công, Malaisia, Thái-lan có khu vực riêng cho du khách nước ngoài... Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có nét riêng độc đáo về “văn hóa vỉa hè” và điều này là một trong những điểm thu hút khách du lịch, làm cho họ có ấn tượng về chuyến du lịch tại Việt Nam. Quanh khu vực phố Tạ Hiện, “khu phố Tây” buổi tối hoạt động kinh tế vỉa hè rất sôi động. Tiền vào túi của những cửa hàng ở đây chảy rần rật hàng đêm với hàng trăm, hàng nghìn lượt khách đông như trẩy hội. Tốt quá cho một thành phố đang muốn xây dựng du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn. Chúng ta vẫn hoàn toàn có thể có các hoạt động kinh doanh trên các vỉa hè ở những khu phố cổ Hà Nội như Tạ Hiện, hay phố Bùi Viện ở TP Hồ Chí Minh mang lại những nét độc đáo và lợi ích kinh tế cho người kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ở đây là vấn đề quản lý. Nhà nước với vai trò quản lý có thể sử dụng công cụ của mình để quy hoạch, quản lý các hoạt động kinh tế, văn hóa trên vỉa hè công cộng ở những khu phố đặc thù như ở một số tuyến phố đi bộ hay trong những không gian văn hóa nhất định. Chính quyền sẽ thu phí một cách công khai, minh bạch với mức tương xứng vào ngân sách địa phương (chứ không phải một nhóm nào). Nếu làm tốt, chúng ta sẽ tạo được những không gian văn hóa đặc sắc thay vì những hoạt động kinh tế trên các vỉa hè lộn xộn, tràn lan... và khi đó, kinh tế vỉa hè sẽ được trân trọng.
Tú Quyên – Bảo Hân
Bình luận