Hotline: 0941068156
Thứ năm, 22/05/2025 02:05
Thứ tư, 21/05/2025 19:05
TMO - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính (truyền thống) sang kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang trở thành xu hướng tất yếu.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2024 tăng 3,3% so với năm 2023, trong đó: trồng trọt tăng 1,7 - 1,9%; chăn nuôi tăng 5,3 - 5,5%; thủy sản tăng 5,0 - 5,2%; lâm nghiệp tăng 4,0 - 4,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5%; xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1% so với năm 2023. Với những kết quả đạt được trong những năm gần đây cho thấy ngành nông nghiệp vẫn là những trụ cột chính trong cơ cấu phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành nông nghiệp đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về môi trường, thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau. Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia 2023, ngành nông nghiệp hiện tạo ra 13,7% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước, với tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường từ hoạt động nông nghiệp trong các năm 2020-2023 là 7,2%/năm. Điều này phản ánh rõ nét về tính bền vững trong mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện tại. Do đó, việc chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp từ truyền thống sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang được quan tâm và tích cực triển khai bởi KTTH sẽ mang lại nhiều giá trị và lợi ích lớn.
Nông nghiệp hữu cơ - giải pháp phát triển bền vững. Ảnh minh họa.
Cụ thể, về nguồn tài nguyên sinh khối, nông nghiệp tạo ra khoảng 156 triệu tấn phụ phẩm và chất thải hàng năm, trong đó 75% có khả năng tái chế và tái sử dụng. Theo đó, lượng rơm rạ hàng năm đạt 48-50 triệu tấn, bã mía 12-15 triệu tấn, vỏ cà phê 1,2 triệu tấn và các phụ phẩm khác có thể chuyển hóa thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi và năng lượng sinh học.
Về mô hình sản xuất truyền thống, nông nghiệp có lợi thế từ các mô hình kinh tế gia đình như VAC (Vườn - Ao - Chuồng) và VACR (Vườn - Ao - Chuồng - Rừng). Các mô hình này không chỉ giúp giảm 40-50% chi phí đầu vào và tăng 25-30% thu nhập cho nông hộ, mà còn tạo ra hệ sinh thái khép kín, giảm thiểu chất thải ra môi trường. Đặc biệt, các mô hình này đã được người dân áp dụng và cải tiến qua nhiều thế hệ, tạo nền tảng thuận lợi cho việc phát triển KTTH.
Về tiềm năng công nghệ sinh học, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ các công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp. Điển hình là công nghệ biogas đã được ứng dụng tại 500.000 hộ gia đình, giúp giảm 70% ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi và tiết kiệm 30-40% chi phí năng lượng. Bên cạnh đó, công nghệ ủ phân compost, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, và chế biến thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp đang được phát triển và hoàn thiện.
Về tiềm năng thị trường, nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ và thân thiện với môi trường đang tăng mạnh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Thị trường xuất khẩu cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, tạo động lực cho việc chuyển đổi sang mô hình KTTH. Về nguồn nhân lực, Việt Nam có lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào với khoảng 27,5 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh, từ 15% năm 2015 lên 25% năm 2023. Đây là nguồn lực quan trọng cho việc tiếp nhận và phát triển các mô hình KTTH trong nông nghiệp.
Về tiềm năng hợp tác quốc tế, Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều tổ chức quốc tế trong việc phát triển nông nghiệp bền vững. Đến năm 2023, có khoảng 35 dự án quốc tế với tổng vốn cam kết trên 2 tỷ USD tập trung vào phát triển nông nghiệp xanh và tuần hoàn giai đoạn 2024-2030. Đây là nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển KTTH.
Theo các chuyên gia, để phát triển KTTH trong nông nghiệp cần xác định điều kiện thổ nhưỡng đất đai, nguồn nước, khí hậu để lựa chọn loại giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương; Thiết kế các mô hình, tổ hợp, liên hợp, hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu dùng và có thể quay lại làm đầu vào cho quá trình sản xuất theo hướng bền vững; Quá trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải theo hướng tiết kiệm sử dụng tài nguyên đất, nước; biến các phế phẩm, phụ phẩm, chất thải từ lĩnh vực nông nghiệp thành nguyên liệu đầu vào tạo ra sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao;
Sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt gắn với tiết kiệm năng lượng; Ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng; tái sử dụng nước thải, tăng cường cải tạo đất, giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường; Tăng cường sử dụng lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân nơi có dự án. Điều này bước đầu cho thấy pháp luật về KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp có phạm vi bao phủ rộng, và các quy định hiện hành chưa đáp ứng được việc điều chỉnh này.
Cụ thể, các quy định pháp luật về thúc đẩy phát triển KTTH chủ yếu là các quy định chung, tản mạn trong nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, do các cơ quan khác nhau ban hành. Thiếu các quy định cụ thể, đồng bộ, thống nhất về thúc đẩy mô hình, tổ hợp, liên hợp KTTH trong nông nghiệp. Do vậy, hiệu lực, hiệu quả áp dụng các quy định pháp luật về vấn đề này chưa cao. Chưa quy định cụ thể, rõ ràng về khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ, thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, xây dựng, phát triển các mô hình, tổ hợp, hệ sinh thái KTTH trong nông nghiệp. Đặc biệt, còn thiếu các quy định về kết nối tổ chức, cá nhân có hoạt động trên theo hướng tuần hoàn hoặc hỗ trợ kết nối các hoạt động này trong chính một tổ hợp KTTH. Đơn cử, kết nối giữa nhà nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi với người nông dân; giữa người sản xuất nông nghiệp với nhà tái chế phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, với nhà xuất khẩu... Hay thiếu các quy định cụ thể hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng tổ hợp KTTH bao gồm tất cả các khâu trên trong tổ hợp.
Pháp luật về đất đai chưa có quy định cụ thể về ưu tiên quỹ đất cho phát triển các dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, chưa có quy định cụ thể về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ưu tiên cho dự án phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; quy định về tiếp cận đất đai theo hướng thu hồi đất cho các dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có thể gây ra mâu thuẫn về mặt lợi ích, dẫn tới khiếu kiện vượt cấp kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội; quy định về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí liên quan đến tiếp cận quyền sử dụng đất thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn chưa cụ thể, khó thực hiện được trên thực tiễn; quy định về giám sát chủ đầu tư trong sử dụng đất thực hiện các dự án này chưa rõ ràng; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư nếu vi phạm mục đích sử dụng đất...
Để thúc đẩy phát triển KTTH trong nông nghiệp, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành quy định nhiều vấn đề, trong đó có quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, thuế bảo vệ môi trường, mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, về phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng phế phẩm, phụ phẩm, chất thải trong nông nghiệp, trách nhiệm thu hồi sản phẩm của nhà sản xuất (EPR) đối với sản phẩm được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các quy định này đều khá chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường đối với dự án phát triển KTTH trong nông nghiệp.
Các quy định về phát triển thị trường trao đổi, mua bán phế phẩm, phụ phẩm, chất thải nông nghiệp; mua bán sản phẩm sau tái chế từ phế phẩm, phụ phẩm, chất thải nông nghiệp rất quan trọng. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn chưa cụ thể. Do vậy, các cơ quan có trách nhiệm đưa các vấn đề này vào chính sách, pháp luật cụ thể để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường giao dịch phế, phụ phẩm, chất thải nông nghiệp cũng như thị trường sản phẩm sau tái chế từ các phế phẩm, phụ phẩm này ở Việt Nam trong thời gian tới.
Các quy định về trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình thúc đẩy phát triển KTTH nói chung đã có, nhưng còn thiếu cụ thể đối với lĩnh vực nông nghiệp; chưa rõ về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý dự án phát triển KTTH trong nông nghiệp ở Trung ương cũng như địa phương; chưa xây dựng được kế hoạch quốc gia về phát triển KTTH cũng như kế hoạch phát triển KTTH tại các địa phương. Quy định hiện hành chưa phát huy được vai trò của truyền thông trong giám sát thúc đẩy KTTH.
Các quy định về thúc đẩy phát triển KTTH trong các dự án về năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối trong phát triển kinh tế nông nghiệp được ghi nhận bước đầu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhưng vẫn thiếu các văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực năng lượng.
Nhiều địa phương áp dụng mô hình làm phân hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.
Về giải pháp, theo các chuyên gia, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, thương mại theo hướng khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đầu tư hợp tác phát triển các mô hình, tổ hợp kinh tế tuần hoàn, trong đó có KTTH trong nông nghiệp. Theo đó, các quy định này sẽ giúp thay đổi về chất trong đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam. Hiện nay, đa số mô hình kinh tế nông nghiệp của Việt Nam chưa được coi là mô hình kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh mà chỉ được xác định là có một số yếu tố của KTTH, như tập trung vào tái chế, sử dụng lại phế phẩm, phụ phẩm, chất thải từ lĩnh vực nông nghiệp và có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, nhưng lại thiếu sự gắn kết giữa các chủ thể thực hiện các hoạt động này. Do vậy, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, thương mại cần bảo đảm quy trình KTTH được vận hành thông suốt, quay vòng liên tục và có sự gắn kết chặt chẽ giữa các chủ thể, các khâu trong chu trình.
Cần cụ thể hóa các quy định của Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến tiếp cận đất đai cũng như điều tiết hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất với chủ đầu tư và Nhà nước. Các văn bản hướng dẫn luật cần quy định cụ thể hơn về ưu tiên lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho đầu tư dự án phát triển KTTH trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, nên thu hẹp các trường hợp được phép thu hồi đất trong luật. Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức người dân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê đất sử dụng cho các mô hình, tổ hợp KTTH trong nông nghiệp nhằm bảo đảm quyền của người sử dụng đất, chủ đầu tư dự án, tránh khiếu kiện vượt cấp kéo dài, gây mất an ninh, trật tự, bảo đảm phát triển bền vững.
Cần hoàn thiện pháp luật về lao động, nguồn nhân lực theo hướng tạo điều kiện cho người dân nơi có các hoạt động, dự án, tổ hợp, mô hình KTTH trong nông nghiệp được đào tạo, làm việc tại các doanh nghiệp này với mức lương và chế độ ưu đãi nhất định để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Có thể thấy, người dân ở địa phương nơi có tổ hợp kinh tế tuần hoàn vừa tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp và được hưởng lợi tức, tiền cho thuê đất, vừa được hưởng lương và các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế... sẽ được hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ tổ hợp KTTH khi được nhận vào doanh nghiệp làm việc.
Cần hoàn thiện pháp luật về sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản; quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quản lý chất thải (trách nhiệm của chủ nguồn thải trong phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, tái chế hoặc trả chi phí xử lý chất thải), sản xuất, tiêu dùng sạch, kinh tế xanh, mua sắm xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong nông nghiệp... Đây là các quy định đặc biệt quan trọng, giúp giảm thiểu khai thác tài nguyên, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả chất thải, phế phẩm, phụ phẩm từ hoạt động nông nghiệp, biến chúng thành nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất liên tục quay vòng mang lại giá trị kinh tế cao, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường, khác hoàn toàn với mô hình kinh tế tuyến tính, coi quá trình sản xuất đến tiêu dùng và thải bỏ là một đường thẳng, lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.
Hoàn thiện pháp luật về đầu tư, khai thác, sử dụng năng lượng theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường, thúc đẩy nhà đầu tư mô hình, liên hợp, tổ hợp phát triển KTTH trong nông nghiệp xây dựng, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối để phục vụ cho chính hoạt động của mình và có thể bán nguồn năng lượng này cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đặc biệt, cần lưu ý giám sát việc thực thi các quy định này khi triển khai trên thực tiễn.
Cần quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khác và truyền thông trong thực hiện các mô hình tổ hợp phát triển KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp vì đây là chủ thể chính tham gia vào quá trình phát triển KTTH. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân, thống nhất quản lý đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý, là chủ thể tạo thể chế và bảo đảm thực thi trong suốt quá trình này, nên việc xây dựng quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước trong thúc đẩy phát triển KTTH trong nông nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Trong khi đó, là chủ thể tham gia đầu tư phát triển tổ hợp KTTH nên nếu thể chế rõ ràng, doanh nghiệp nắm được quyền, nghĩa vụ và thấy được lợi ích từ việc phát triển KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đầu tư sẽ được thúc đẩy. Còn tổ chức, cá nhân khác là chủ thể chịu ảnh hưởng của quá trình này nếu thể chế rõ ràng, đầy đủ thì quyền lợi của người dân sẽ được bảo đảm, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại địa phương nơi có dự án. Bên cạnh đó, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của chủ thể trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn và giám sát quá trình này…/.
THIÊN LÝ
Bình luận