Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/04/2025 19:04
Chủ nhật, 30/03/2025 19:03
TMO - Kinh tế tư nhân tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực này trung bình 6-8%/năm, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Dù vậy, phát triển khu vực này vẫn chưa tương xứng.
Kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua những đóng góp quan trọng vào GDP, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trước hết, khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng hơn 45% GDP của Việt Nam và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trong nhiều năm qua, khu vực này luôn tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ở các nền kinh tế phát triển, kinh tế tư nhân thậm chí chiếm tới 70-90% GDP, minh chứng cho vai trò động lực của khu vực này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế tư nhân là nguồn tạo việc làm chủ yếu, chiếm 85% tổng số lao động trong nền kinh tế và giúp hàng triệu người có thu nhập ổn định. Theo thống kê, khu vực này tạo ra 8,6 triệu việc làm trực tiếp trong năm 2023, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân. Ngoài ra, khu vực tư nhân là đầu tàu trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Dưới áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp tư nhân không ngừng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Các tập đoàn tư nhân lớn của nước ta đã vươn ra thị trường quốc tế, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam lên bản đồ công nghệ và sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân cũng giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực và giảm áp lực lên ngân sách nhà nước. Không giống như khu vực doanh nghiệp nhà nước, vốn thường bị ràng buộc bởi cơ chế quản lý phức tạp, khu vực tư nhân có khả năng tối ưu hóa nguồn lực tốt hơn, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư cao hơn 30-50% so với doanh nghiệp nhà nước. Các tập đoàn tư nhân lớn đã đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng, sản xuất và công nghệ mà không cần sự hỗ trợ từ ngân sách công. Riêng với xuất khẩu, khu vực tư nhân còn đóng góp quan trọng vào xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế với hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao và nông sản.
Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ rào cản thể chế, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi đến hạn chế trong tiếp cận vốn và công nghệ. Dù đóng góp hơn 45% GDP , khu vực này vẫn chưa phát triển xứng tầm do thủ tục hành chính còn phức tạp, chi phí không chính thức cao và khả năng tiếp cận tín dụng còn hạn chế.
Theo các chuyên gia, kinh tế tư nhân chưa đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh chưa “chịu lớn”; đóng góp trong GDP vẫn chỉ xoay quanh khoảng 45%. Quy mô doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế… Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, cải tiến công nghệ, chương trình/dự án trọng điểm quốc gia. Quản trị doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, điều hành chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, chưa qua đào tạo và ít người có bằng cấp chuyên môn. Quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn chậm. Đóng góp của hộ kinh doanh vào ngân sách nhà nước còn hạn chế…
Trong bài viết mới đây có tựa đề “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra các nhóm giải pháp nhằm định hướng, hỗ trợ và khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp dân tộc, tạo động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư đã định hướng về quan điểm, nguyên tắc quản lý và vận hành nền kinh tế nước ta trong kỷ nguyên mới với những nội dung quan trọng.
Theo đó, tạo dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, vận hành theo nguyên tắc, tín hiệu thị trường. Đây là điều kiện cần, điều kiện tiên quyết tạo sự công bằng giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác; giải phóng và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước cho phát triển; tạo cơ hội để kinh tế tư nhân tiếp cận và sử dụng hiệu quả vốn tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, lao động chất lượng. Loại bỏ tư tưởng "trọng công hơn tư" và sự "độc quyền" của doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực. Thực hiện quan điểm này, Nhà nước cần quản lý theo nguyên tắc thị trường, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; phân định rạch ròi vai trò của nhà nước, giảm thiểu sự can thiệp, mệnh lệnh và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế xin – cho.
Nhà nước bảo đảm tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được bảo hộ, không bị quốc hữu hóa. Một khi nhà nước cam kết bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực thi hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân, cam kết này sẽ tạo dựng niềm tin, khơi dậy và cổ vũ ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đây chính là sức mạnh nội lực quan trọng để đội ngũ doanh nhân nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh, mạnh, quyết định sự thành công hay thất bại trong phát triển đất nước.
Đổi mới tư duy, đột phá trong cải cách thể chế, kiến tạo, vận hành nhà nước quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp, phụng sự đất nước, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Thể chế hiện là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Lúc này nếu không đổi mới tư duy, đột phá về cơ chế, chính sách, kinh tế tư nhân khó có thể vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển. Cần quyết liệt cải cách thể chế trên nền tảng đổi mới tư duy trong cải cách mạnh mẽ nền hành chính hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Củng cố, tạo dựng, phát triển doanh nghiệp dân tộc tầm cỡ khu vực và thế giới làm đòn bẩy và đầu kéo kinh tế cho một Việt Nam thịnh vượng.
Kinh tế Việt Nam với thực trạng trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ cấu doanh nghiệp bất hợp lý; công nghiệp hỗ trợ yếu, nguyên liệu sản xuất phụ thuộc từ bên ngoài; năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế. Lợi ích và an ninh quốc gia đang định hình toàn diện mọi chính sách kinh tế trên phạm vi toàn cầu, tái định hình lại chuỗi cung ứng. Chế độ bảo hộ sản xuất trong nước và chính sách thuế quan có thể gây nên chiến tranh thương mại giữa các quốc gia và khu vực.
Thực trạng kinh tế trong nước và bối cảnh kinh tế quốc tế hối thúc Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nền kinh tế độc lập, tự chủ là cơ sở để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, qua đó nâng cao sức mạnh nội lực; xử lý hiệu quả các vấn đề nội tại và thách thức nổi lên, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đó là tạo dựng, nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp dân tộc. Giải pháp này đã được Tổng Bí thư chỉ rõ: "Hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, có sứ mệnh dẫn dắt, hỗ trợ trở lại các doanh nghiệp nội địa khác cùng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu".
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều gắn với vai trò dẫn dắt của những "doanh nghiệp đầu đàn", "doanh nghiệp dân tộc" để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp dân tộc luôn giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển, là đầu tàu trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp dân tộc là doanh nghiệp phát huy triệt để nội lực, đóng vai trò chiến lược, trụ cột trong kinh tế và gắn liền với bản sắc mỗi quốc gia./.
VĂN NHI
Bình luận