Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 15:10
Thứ hai, 17/06/2024 15:06
TMO - Trước dự báo về tình hình thiên tai nhất là trong mùa mưa bão năm nay, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về sản xuất, tính mạng con người và tài sản, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động phòng, chống, ứng phó.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh: Năm 2023, có 05 cơn bão, 03 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Tỉnh Kiên Giang không ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, nhưng chủ yếu bị ảnh hưởng hoàn lưu bão gây mưa lớn, gió mạnh, lốc, sét ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh làm 03 người chết, 18 người bị thương, sập 179 căn nhà, tốc mái 372 căn nhà.
Ngoài ra, sóng to, gió lớn làm chìm 16 phương tiện; mưa lớn, dông lốc gây đổ ngã nhiều cây xanh trên địa bàn các huyện, thành phố và ngập úng cục bộ một số tuyến đường nội ô thành phố Rạch Giá, đường giao thông nông thôn địa bàn xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng. Mưa dông làm đổ ngã, ngập úng nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái của nhân dân. Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 19,7 tỷ đồng; trong năm, UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ gần 3 tỷ đồng cho người dân bị thiên tai khắc phục hậu quả.
Thiên tai trong mùa mưa bão gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm 01 người bị thương, sập 21 căn nhà, tốc mái 60 căn nhà. Ước tổng giá trị thiệt hại đến nay là khoảng 2,23 tỷ đồng. Nắng nóng, khô hạn kéo dài đã làm sụt lún, sạt lở các tuyến đường đê bao vùng đệm U Minh Thượng, với 454 điểm, chiều dài 11.374 m, 42 căn nhà bị thiệt hại do sụt lún đất, 66 căn nhà có nguy cơ sụt lún.
Ngay sau thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, huyện, thành phố tổ chức thăm hỏi, huy động các lực lượng tại chỗ giúp các hộ dân bị thiệt hại dọn dẹp, bố trí nơi ở tạm, ứng trước ngân sách địa phương để hỗ trợ ngay cho các hộ dân và chỉ đạo thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống; hỗ trợ cho 31 nhà dân bị sụt lún khắc phục hậu quả thiệt hại do hạn hán và khắc phục tạm thời lộ giao thông nông thôn bị sạt lở, với tổng kinh phí là 3,4 tỷ đồng; cấp kinh phí cho các hộ dân khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai tại các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Hòn Đất và Châu Thành năm 2024, với tổng kinh phí hỗ trợ là 705 triệu đồng từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai.
Theo dự báo mùa mưa bão năm nay, thời tiết diễn biến cực đoan khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu hạ tầng giao thông và đời sống, sinh hoạt người dân. Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa mưa bão để bảo vệ sản xuất an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai. Kiên Giang lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai, quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai.
Các ngành chức năng phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác hỗ trợ người dân phòng chống, ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai. Ảnh: BP.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra, đánh giá hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai; thi công các công trình thủy lợi có yêu cầu cấp bách trên địa bàn trọng điểm; nạo vét kênh mương, duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chống ngập úng, đảm bảo vận hành thông suốt, an toàn trước mùa mưa bão, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và sản xuất đạt hiệu quả cao. Cụ thể như kiểm tra, rà soát quy trình vận hành đập, hồ chứa nước tại thành phố Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải; khắc phục hạn hán, phòng chống ngập úng toàn vùng đệm U Minh Thượng; bố trí thời vụ hợp lý, sử dụng giống vật nuôi, cây trồng thích hợp với điều kiện từng vùng...
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng phương án, lực lượng, phương tiện và thực hiện quy chế phối hợp. Đơn vị phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra an toàn các phương tiện hành nghề trên biển, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới; tiếp nhận, trao trả các công dân nước ngoài bị nạn, được cứu vớt trên vùng biển Kiên Giang theo các quy định hiện hành. Biên phòng Kiên Giang phối hợp Tỉnh đội, Công an và các địa phương triển khai công tác sơ tán, di dời dân, công tác giúp dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, kịp thời phát các bản tin dự báo, thông báo thời tiết, thủy văn, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm để các ngành, địa phương và nhân dân chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại. Các ngành chức năng phối hợp xây dựng kế hoạch đảm bảo thông tin liên lạc khi thiên tai xảy ra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; áp dụng các hình thức thông tin, truyền tin phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo cung cấp nhanh chóng, kịp thời đến người dân khu vực bị ảnh hưởng.../
Lê Hoàng
Bình luận