Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ bảy, 13/05/2023 13:05
TMO - Các địa phương, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm gia cầm.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã chỉ đạo kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cả nước, chỉ có một vài ổ dịch nhỏ lẻ, còn tuyệt đại đa số (trên 99,9%) trong tổng đàn trên 550 triệu con gia cầm là an toàn tuyệt đối về các loại dịch bệnh. Các tỉnh ở khu vực Đông Nam bộ có tỉ lệ chăn nuôi đứng đầu cả nước đã hình thành các chuỗi, các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh rất tốt, trên toàn quốc chúng ta có trên 920 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Đặc biệt, thời gian vừa qua đã đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt trên 400 triệu USD. Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín, xuất khẩu được sang gần 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Nhật Bản, Nga, Hong Kong (Trung Quốc), EU. Hiện nay phía Hàn Quốc đang đánh giá và dự kiến trong thời gian tới chúng ta có thể xuất khẩu sang nước này.
(Ảnh minh họa)
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Cục Thú y cho biết, cần tiếp tục kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để xảy ra trên phạm vi diện rộng, nhất là những vùng đã đạt chuẩn an toàn dịch bệnh, nâng cấp vùng an toàn dịch bệnh của mình lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Các địa phương, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm gia cầm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh còn rất lớn, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh vẫn còn hạn chế, chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ các chương trình, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các văn bản chỉ đạo của Bộ để xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai.
Cần đặt mục tiêu về thời gian, chất lượng và yêu cầu kết quả cần đạt được, theo đó, hướng đến năm 2025 sẽ đạt ít nhất 4 huyện và đến năm 2030 có 10 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của OIE và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu.
Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại. Xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí kinh phí đầu tư để thực hiện được các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho việc duy trì các hoạt động thú y nhằm xây dựng, duy trì vùng, chuỗi an toàn dịch bệnh. Ưu đãi đối với công tác hỗ trợ xây dựng hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi, các doanh nghiệp đã xây dựng thành công cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cần tiếp tục duy trì các cơ sở chăn nuôi này. Tổ chức đánh giá và lấy mẫu giám sát định kỳ hàng năm, bảo đảm yêu cầu tiến tới công nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, theo tiêu chuẩn của OIE đối với các cơ sở chăn nuôi hướng đến xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi có nhu cầu xây dựng an toàn dịch bệnh cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương để lập kế hoạch và triển khai xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh…/.
Thiên Lý
Bình luận