Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ năm, 05/10/2023 14:10
TMO - Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này cũng gây tác động đến các thành phần môi trường tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát, quản lý hiệu quả.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với hơn 5.000 điểm mỏ, chứa hơn 60 loại khoáng sản khác nhau. Khai thác, chế biến khoáng sản được coi là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia có tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú như Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động này nếu không được quản lý, kiểm soát hiệu quả sẽ gây ra các tác động đến chất lượng môi trường.
Trong đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường nước trong khai thác khoáng sản, quá trình đào xới, vận chuyển đất đá và quặng làm địa hình khu khai trường bị hạ thấp, ngược lại quá trình đổ chất thải rắn làm địa hình bãi thải bị nâng cao. Các thay đổi này sẽ dẫn đến biến đổi về điều kiện thủy văn, các yếu tố của dòng chảy trong khu mỏ như: khả năng thu, thoát nước, hướng và vận tốc dòng chảy mặt, chế độ thủy văn của các dòng chảy như mực nước, lưu lượng...Sự tích tụ chất thải rắn do tuyển rửa quặng trong các lòng hồ, kênh mương tưới tiêu có thể làm thay đổi lưu lượng dòng chảy, dung tích chứa nước, biến đổi chất lượng nguồn nước và làm suy giảm công năng của các công trình thuỷ lợi liền kề với các khu khai thác mỏ..
Tại các mỏ thiếc sa khoáng, biểu hiện chính của ô nhiễm hoá học là làm đục nước bởi bùn-sét lơ lửng, tăng hàm lượng các ion sắt và một số khoáng vật nặng. Việc khai thác và tuyển quặng vàng phải dùng đến thuốc tuyển chứa các nguyên tố kim loại nặng đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm nguồn nước do nước thải của mỏ trong quá trình sản xuất không được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khoáng sản đã phát sinh bụi bẩn, làm giảm chất lượng không khí, tổn hại tới sức khỏe cộng đồng...
Các hoạt động khai thác, chế biến quy mô nhỏ đang diễn ra khá phổ biến, phát triển nhiều về số lượng nhưng đóng góp không đáng kể cho sự phát triển kinh tế đất nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở này do vốn đầu tư hạn chế, khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu và nhất là do chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành luật pháp chưa cao nên các chủ cơ cơ sở này ít quan tâm công tác bảo vệ môi trường an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, để lại nhiều hậu quả xấu về môi trường. Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020 của Bộ Công Thương, hoạt động khai thác khoáng sản phát sinh khoảng 150 triệu m3 đất, đá bóc, hơn 100 triệu m3 nước thải và hàng nghìn tấn chất thải khác mỗi năm.
Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nếu không được kiểm soát hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, Lào Cai hiện có hơn 130 mỏ, điểm mỏ, với hơn 30 loại khoáng sản khác nhau đã được phát hiện, trong đó có nhiều mỏ trữ lượng lớn và có giá trị cao như mỏ apatit là mỏ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có trữ lượng khoảng 2,1 tỷ tấn quặng; mỏ sắt Quý Xa là mỏ sắt lớn thứ 2 trong nước, có trữ lượng 112 triệu tấn quặng; mỏ đồng Sin Quyền là mỏ đồng lớn nhất cả nước, có trữ lượng 52 triệu tấn quặng (khoảng 550.000 tấn đồng kim loại); mỏ đồng Tả Phời có trữ lượng dự kiến khoảng 35 triệu tấn quặng; mỏ granphit trữ lượng khoảng 12 triệu tấn quặng; các mỏ kaolin, fenspat... có trữ lượng khoảng 20 triệu tấn, là nguồn nguyên liệu tại chỗ thuận lợi cho các ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, hóa chất, phân bón.
Đồng thời, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong nước; tạo việc làm cho nhiều lao động; nguồn thu ngân sách từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản đạt bình quân từ 1.200 đến 1.800 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách của tỉnh. Ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh được phát triển theo đúng định hướng tập trung và hiệu quả; khai thác và chế biến sâu, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá của Sở TN&MT Lào Cai, bên cạnh những kết quả về kinh tế - xã hội đã đạt được, Lào Cai cũng đã và đang chịu nhiều áp lực đến môi trường và xã hội, hoạt động khai thác có nguy cơ tiềm ẩn tác động lớn đến môi trường hiện tại cũng như lâu dài. Vì vậy, để phát triển bền vững, khai thác, chế biến khoáng sản gắn với BVMT, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường sống và lao động sản xuất của nhân dân, nhất là vùng có mỏ khoáng sản được khai thác, công tác quản lý, BVMT đã được Sở TN&MT tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện.
Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT trong khai thác khoáng sản, trong công tác quản lý, ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, Sở TN&MT tỉnh đã chú trọng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phương án ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, hạ tầng về BVMT và các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, yêu cầu các tổ chức, cá nhân (chủ mỏ) thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường đối với các khu vực, dự án đã hết hạn giấy phép khai thác. Năm 2022, Lào Cai có 15 tổ chức/cá nhân đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để triển khai thực hiện thi công các hạng mục cải tạo phục hồi môi trường và bàn giao đất cho địa phương quản lý và có 197 đơn vị thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền là 219 tỷ đồng. Để công tác BVMT trong khai thác khoáng sản đạt được hiệu quả cao nhất, thời gian tới, ngành TN&MT Lào Cai tiếp tục thắt chặt công tác thẩm định, yêu cầu BVMT trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển. Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện lập hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường, quan tâm đến BVMT trong và sau khai thác khoáng sản.
Sở TN&MT tỉnh đã chú trọng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phương án ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác.
Để hoạt động khoáng sản vẫn có thể bảo vệ môi trường và có hiệu quả kinh tế, điều cốt yếu là phải định hướng được các phương án phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ bước định hướng quy hoạch tổng thể và quản lý cụ thể đối với từng khu vực, từng dự án. Chính vì vậy, thời gian qua, các luật, chính sách và những quy định, tiêu chuẩn về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường được ban hành đầy đủ, gắn với thực tiễn, củng cố trách nhiệm của chính quyền trong việc quản lý khoáng sản ở mức cao nhất, đảm bảo sự tham gia và đối thoại với cộng đồng địa phương về vấn đề tác động và bảo vệ môi trường, ràng buộc bằng những quy định về việc lựa chọn công nghệ khai thác, công trình biện pháp bảo vệ môi trường để giảm thiểu tác động đến môi trường, kiểm soát tối đa những rủi ro….
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 10-NQ/TW đã đưa ra mục tiêu tổng quát “Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon”. Như vậy, Nghị quyết đã khẳng định quan điểm cần hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, môi trường và hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các hoạt động khai thác, sử dụng và quản lý khoáng sản
Luật Bảo vệ môi trường ban hành tiếp tục có quy định chi tiết, cụ thể hơn về “Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản” so với quy định về bảo vệ môi trường trong Luật khoáng sản năm 2010 như: Phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường, phải thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn; có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, khí thải độc hại và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh; phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Đồng thời, phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; phải lưu giữ, vận chuyển khoáng sản có tính chất độc hại bằng thiết bị chuyên dụng, được che chắn tránh phát tán ra môi trường; việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí, khoáng sản khác có chứa nguyên tố phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện quy định của pháp luật bảo vệ môi trường và pháp luật về an toàn hóa chất, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân…
Hoàng Nguyên
Bình luận