Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ tư, 18/09/2024 08:09
TMO - Nhằm giảm thiểu những tác động đến môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung kiểm soát chặt việc xả thải tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN); đồng thời, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút những dự án đầu tư lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, hướng đến phát triển nền công nghiệp xanh.
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp. Tuy vậy, với mục tiêu xây dựng tỉnh có môi trường xanh - sạch - đẹp và văn minh nên mọi hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều phải được gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng cộng 16 KCN với diện tích trên 9.000 ha, trong đó có những khu công nghiệp lớn như KCN Phú Mỹ, KCN Cái Mép và KCN Đất Đỏ. Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp về BVMT. Theo đó, ngoài việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng còn tập trung vào việc kiểm soát chặt nguồn thải của các cơ sở hoạt động trong các KCN, CCN.
Đặc biệt, Sở TN&MT cùng các cơ quan chức năng còn yêu cầu các KCN, CCN có lưu lượng xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động để giám sát theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; tổ chức thẩm định hồ sơ, thủ tục về môi trường một cách chặt chẽ, chính xác, có hiệu quả.
Riêng đối với chất thải rắn công nghiệp, hiện đang được thu gom, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý; đồng thời, một phần được vận chuyển sang các địa phương khác để xử lý đúng các quy định hiện hành. Đến nay, công tác thống kê, kiểm soát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn từ các KCN, CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã được giám sát chặt chẽ.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường nhất là hoạt động xử lý nước thải tại các KCN. Ảnh: MT.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đảm bảo phát triển bền vững, tỉnh đã tiến hành rà soát lại quy hoạch, chú trọng việc điều chỉnh ngành nghề đầu tư vào các khu công nghiệp, từ đó đảm bảo chỉ những dự án sạch, công nghệ tiên tiến và ít gây ô nhiễm mới được cấp phép hoạt động.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút được 22 dự án đầu tư mới, trong đó có 14 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 800 triệu USD và 8 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Các dự án này đều được lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh nhấn mạnh đến nhiệm vụ điều chỉnh ngành nghề thu hút đầu tư. Các ngành công nghiệp có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường như luyện kim, hóa chất, nhuộm vải đã bị hạn chế cấp phép, thay vào đó là các ngành công nghệ cao, ít tiêu hao năng lượng và thân thiện với môi trường. Các ngành công nghiệp như công nghệ chế biến, sản xuất thiết bị điện tử, và năng lượng tái tạo hiện đang được tỉnh ưu tiên phát triển. Với việc thu hút đầu tư, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đặt mục tiêu bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Chính quyền tỉnh đã đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt để giám sát các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, yêu cầu họ phải thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải, đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí trong KCN và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0", UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1866/QĐ-UBND về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh; thực hiện các giải pháp tổng thể về bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu phát thải nhà kính theo từng ngành và lĩnh vực.
Đồng thời, tỉnh nhất quán chủ trương lựa chọn các dự án đầu tư ít phát thải khí nhà kính, mang lại giá trị kinh tế cao; kêu gọi doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu sạch; tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, thực hiện chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời... trong sản xuất để giảm lượng phát thải khí CO2, bảo đảm không thải ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính; thúc đẩy tiêu dùng bền vững...
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu điều chỉnh ngành nghề thu hút đầu tư, hạn chế ngành nghề nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Năm 2023, Bà Rịa - Vũng Tàu vươn lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh. Đây là một bước tiến thể hiện rõ định hướng đúng đắn của địa phương trong việc bảo vệ môi trường kết hợp với phát triển kinh tế. Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, địa phương này đã quyết định không thu hút một số loại hình dự án vào đầu tư trên địa bàn, bởi các dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Đó là các ngành nghề bao gồm: Chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); nhuộm, thuộc da; các dự án sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng và phôi thép (trừ các dự án sản xuất thép chất lượng cao); sản xuất giấy các loại, bột giấy và chế biến bột cá có nguy cơ gây ô nhiễm thượng nguồn, các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đây là chủ trương nhằm bảo đảm việc thu hút đầu tư được thực hiện đúng quy hoạch, định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ V đã đề ra, đưa kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, năng lượng.
Bà Rịa – Vũng Tàu cũng hạn chế đầu tư đối với các dự án liên quan đến công nghiệp xi mạ; chế biến hải sản; sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón; sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp; sản xuất da giày, may mặc; những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, nhiều đất, có giá trị gia tăng thấp; những dự án có phát sinh chất thải lớn, đặc biệt là khí CO2 và những d ự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu …
Thời gian qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung đầu tư xây dựng các khu công nghiệp kiểu mẫu, theo mô hình khu công nghiệp đô thị, nhằm thu hút các dự án sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, như: Các Khu công nghiệp B1 Tiến Hùng, B1 Ðại Dương, Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (huyện Tân Thành ), Cụm công nghiệp chuyên sâu Ðá Bạc (huyện Châu Ðức); ngoài ra, còn có Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 làm Khu công nghiệp chuyên sâu Việt Nam – Nhật Bản.../.
Thùy Ngân
Bình luận