Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ sáu, 20/10/2023 07:10
TMO - Đồng Nai là địa phương có quy mô chăn nuôi lớn nhất cả nước. Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi được địa phương này xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn và gà của cả nước. Tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con, đàn gà khoảng 26 triệu con. Hiện nay, trên địa bàn có 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.200 cơ sở chăn nuôi nông hộ với hai loại chính là lợn và gà. Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (chiếm 61,83%) và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp tỉnh.
Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bên cạnh việc đảm bảo cung cấp thực phẩm, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp khác và cho tiêu dùng của nhân dân tại Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh việc mang lại sản phẩm hiệu quả trên, ngành chăn nuôi đã và đang gây áp lực lớn đến môi trường. Một số địa phương có mật độ chăn nuôi cao như các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom và Tân Phú qua kiểm tra đã phát hiện có hiện tượng xả thải không qua xử lý, việc vận hành hoặc vận hành không thường xuyên làm cho nước thải vượt chuẩn quy định, đặc biệt là tồn tại 3.006 cơ sở chăn nuôi quy mô gia đình nằm xen lẫn trong khu dân cư đã có hiện tượng ô nhiễm nguồn nước mặt cục bộ ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân. Thông qua đường dây nóng, số lượng tiếp nhận đơn thư phản ánh khiếu nại tố cáo việc ô nhiễm do chăn nuôi gia súc gia cầm có dấu hiệu tăng dần trong thời gian qua.
Hoạt động chăn nuôi tồn tại nhiều bất cập, hạn chế về môi trường như chưa đăng ký giấy phép, chưa tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường...(Ảnh minh họa).
Trong 2 năm 2021 và 2022, các ngành chức năng đã kiểm tra đã phát hiện 129 cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường. Qua đó, ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động có thời hạn 7 cơ sở. đa số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thường không đăng ký giấy phép; chưa có giải pháp xử lý nước, phân thải hiệu quả, chỉ thực hiện lắng lọc sơ kết hợp nuôi cá. Điều đó dẫn đến tình trạng nước thải, phân thải gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ở các sông, suối, ao, hồ. Nhiều con suối từng hứng chịu phân thải, nước dọn rửa chuồng heo gà gây ô nhiễm như suối Reo, suối Nước Trong, sông Buông, suối Săn Máu... gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, từ tháng 5/2023 đến đầu tháng 10/2023, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi với hơn 7.800 cơ sở, qua kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm. Kết quả cho thấy hoạt động chăn nuôi tồn tại nhiều bất cập, hạn chế về môi trường như chưa đăng ký giấy phép, chưa tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường...
Ngành chức năng đã có quyết định xử phạt hơn 160 cơ sở với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng; đình chỉ, yêu cầu tạm ngừng hoạt động hơn 950 cơ sở. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, qua kiểm tra gần 1.250 cơ sở chăn nuôi do cấp tỉnh, huyện quản lý, lực lượng chức năng phát hiện hơn 760 cơ sở do cấp huyện quản lý chưa được cấp giấy phép, giấy đăng ký môi trường. Nhiều cơ sở không có bể chứa chất thải hoặc có bể chứa nhưng không có hệ thống chống thấm, bạt lót bị hư hỏng.
Hàng chục cơ sở do cấp tỉnh quản lý không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, hết thời hạn sử dụng đất. Nhiều cơ sở được cấp giấy phép xây dựng nhưng giấy phép không thể hiện các hạng mục công trình bảo vệ môi trường, đưa cơ sở chăn nuôi vào hoạt động khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng chuồng trại và các hạng mục bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, thực hiện tổng kiểm tra cho thấy, có sự chuyển biến tích cực tại các cơ sở chăn nuôi, cải thiện chất lượng nước mặt các sông suối có tiếp nhận nước thải chăn nuôi trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành và TP Long Khánh. Kết quả quan trắc nước mặt tại các sông suối cho thấy, chất lượng nước mặt tại các sông suối đang dần có dấu hiệu cải thiện. Các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi có thái độ tích cực hơn trong việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường…
Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng trong chăn nuôi. Ảnh: BN.
Từ thực tế này, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng trong chăn nuôi. Về môi trường, các huyện và TP.Long Khánh tiếp tục kiểm tra, xử lý cơ sở chăn nuôi chưa kiểm tra theo kế hoạch đã duyệt, đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra năm 2024, phối hợp với Sở NN&PTNT thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp quy hoạch theo quyết định của UBND tỉnh.
Về quy hoạch sử dụng đất, cấp huyện rà soát, đánh giá hoạt động của các cơ sở chăn nuôi, trường hợp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì đề xuất bổ sung cơ sở phải di dời. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện đăng ký giấy phép xây dựng. Trường hợp đã hoạt động nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng chuồng trại, các hạng mục bảo vệ môi trường thì hướng dẫn bổ sung thủ tục.
Trước đó, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định phê duyệt danh sách hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Thời gian di dời theo từng giai đoạn là trước 31/12/2024 và đến 1/1/2025 là phải ngừng chăn nuôi tại các khu vực này.
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay, quá trình triển khai thực hiện quyết định gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như các cơ sở chăn nuôi đa phần đều thiếu nguồn vốn để mua đất, đầu tư cơ sở hạ tầng chăn nuôi tại địa điểm mới, các lao động tại các cơ sở chăn nuôi đều đã lớn tuổi, chủ yếu nguồn thu nhập từ chăn nuôi là chính, do đó việc ngưng chăn nuôi để chuyển đổi sang nghề khác còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở chưa có định hướng nghề nghiệp mới.
Những năm trở lại đây, vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi được tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp mạnh như: đưa chăn nuôi ra khỏi nội ô; chỉ cấp phép cho các trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải theo quy định; nâng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cùng với đó là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại lớn; chăn nuôi công nghệ cao (an toàn sinh học, VietGAP, khép kín và chuồng lạnh).
Cùng với công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, triển khai di dời để bảo vệ môi trường trong phát triển ngành chăn nuôi, thời gian qua địa phương này chú trọng đến vấn đề an toàn sinh học trong chăn nuôi. Theo đó, các trang trại có quy mô lớn, chất thải được thu gom và xử lý bằng các hình thức như: Ủ phân, ủ compost, sơ chế phân, sử dụng máy ép phân. Nước thải được xử lý bằng phương pháp lý - sinh - hóa kết hợp… các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thu gom, xử lý chất thải theo Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT ngày 26-10-2021 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; xử lý nước thải chăn nuôi để sử dụng cho cây trồng theo Thông tư số 28/2022/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng; tổ chức sản xuất theo các quy trình chăn nuôi an toàn (VietGAP, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học...)...
Mạnh Dũng
Bình luận