Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ ba, 19/12/2023 07:12
TMO - Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất gây suy giảm tầng ozone (HCFC) từ 3.600 tấn/năm xuống còn 2.600 tấn/năm trong giai đoạn 2020-2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ở Việt Nam, cơ quan chủ quản thực hiện Dự án "Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II" (HPMP II) do Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal tài trợ, ủy thác Ngân hàng Thế giới quản lý.
Dự án HPMP II được phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2018-2023 nhằm mục tiêu giúp Việt Nam giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal. Cụ thể, Dự án đặt mục tiêu loại trừ hoàn toàn tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí gia dụng, lĩnh vực làm lạnh, sản xuất xốp XPS và lĩnh vực dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh; Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt.
Bảo đảm để Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC từ năm 2020 đến năm 2024; Giảm lượng phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng các công nghệ thay thế không có tiềm năng làm suy giảm tầng ozone (ODP) và tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) thấp, cải thiện hiệu suất năng lượng trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí; Tăng cường kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất HCFC và tuyên truyền, phổ biến các công nghệ không sử dụng HCFC trong các lĩnh vực liên quan.
Các chất làm suy giảm tầng ozone được sử dụng phổ biến làm môi chất lạnh trong điều hòa không khí,kho lạnh và làm chất trợ nở trong sản xuất xốp...
Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các chất làm suy giảm tầng ozone nói chung, các chất HCFC nói riêng được sử dụng phổ biến làm môi chất lạnh trong điều hòa không khí, hệ thống điều hòa không khí trung tâm, tủ lạnh, kho lạnh và làm chất trợ nở trong sản xuất xốp nên việc hạn chế sử dụng các chất này chỉ thực sự hiệu quả khi có các chất thay thế và theo lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, cũng như khả năng chuyển đổi công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ngân hàng Thế giới triển khai Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (2018-2023), nhằm tuân thủ nghĩa vụ loại trừ 35% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả cụ thể. Trong thời gian thực hiện dự án, Việt Nam đã đạt được những kết quả như loại trừ hoàn toàn tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 (một trong các chất gây nên hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ozone) trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí gia dụng, lĩnh vực làm lạnh, sản xuất xốp XPS và lĩnh vực dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí duy nhất của Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất thiết bị lạnh chuyển đổi công nghệ không sử dụng ga R-22. Việt Nam đã quy định cấm nhập khẩu điều hòa không khí sử dụng ga R-22 từ ngày 7/1/2022. Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt; Hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xốp chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ sử dụng cyclo pentane.
Việt Nam đã quy định cấm nhập khẩu HCFC-141b trộn sẵn trong polyol, có hiệu lực từ ngày 7/1/2023. Để bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ giảm 35% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC trong giai đoạn 2020-2024, báo cáo lượng tiêu thụ hằng năm của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024 cho thấy ở mức nhập khẩu dưới 2.600 tấn/năm.
Về đào tạo, tăng cường năng lực, Dự án đã phối hợp tập huấn cho 350 cán bộ hải quan về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất được kiểm soát; đào tạo cho 188 giảng viên nguồn từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hơn 3.200 kỹ thuật viên về quản lý rò rỉ và nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí; cung cấp 110 bộ thiết bị giảng dạy và 300 bộ thiết bị sửa chữa cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí trên cả nước…
Ngoài ra, sau khi chuyển đổi công nghệ, có doanh nghiệp mở rộng và phát triển thị trường, xuất khẩu sản phẩm sản xuất theo công nghệ mới sang các nước trong khu vực, bảo đảm được các tiêu chí môi trường và khí hậu. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tầng ozone dần được kiện toàn và bắt đầu đi vào cuộc sống.
Việt Nam đang triển khai các hoạt động để loại trừ hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040 và loại trừ dần các chất HFC tiến tới loại trừ 80% mức tiêu thụ cơ sở vào năm 2045.
Theo đánh giá của Cục Biến đổi khí hậu, Việt Nam đang đối mặt với thách thức mới, với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu - các chất HFC, là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozone trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công nghiệp làm mát. Hiện có 80% lượng tiêu thụ các chất HFC được sử dụng cho mục đích làm mát phục vụ cuộc sống con người...
Việc thống nhất thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal năm 2016 thể hiện cam kết của các quốc gia trong việc cắt giảm dần các chất hydrofluorocarbon (HFC) – nhằm tránh sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu (0,5°C) vào cuối thế kỷ này và hy vọng sẽ tăng gấp đôi nếu được triển khai cùng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Việt Nam đang triển khai các hoạt động để loại trừ hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040 và loại trừ dần các chất HFC tiến tới loại trừ 80% mức tiêu thụ cơ sở vào năm 2045; đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính song vẫn bảo đảm được sự phát triển của các ngành kinh tế, các lĩnh vực sản xuất. Đây là những mục tiêu đặt ra cho các nhà quản lý, nhà hoạnh định chính sách, và sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân và toàn xã hội.
Trong gần 4 thập kỷ qua, Nghị định thư Montreal được minh chứng là công cụ hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe con người, thiên nhiên và khí hậu trên quy mô toàn cầu. Trong thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu tiếp tục phối hợp Ngân hàng Thế giới, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cùng nghiên cứu các giải pháp, tham mưu tốt cho Bộ Tài nguyên và Môi trưởng, Chính phủ triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ozone, việc thực hiện Nghị định thư Montreal, trong đó có Bản sửa đổi, bổ sung Kigali tại Việt Nam.
Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone được các nước ký kết vào năm 1987. Đây là văn bản ràng buộc trách nhiệm các quốc gia trên thế giới bảo vệ tầng ozone. Cho đến nay, đã có 197 quốc gia phê duyệt Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal cùng các văn bản sửa đổi, bổ sung về kiểm soát, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone. Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal từ năm 1994.
Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức tích cực triển khai và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Từ năm 2010, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, Halon, CTC; Từ năm 2015, chất Methyl Bromide chỉ được nhập khẩu cho mục đích khử trùng và kiểm dịch hàng xuất khẩu; Từ năm 2013 đến nay, các chất HCFC được quản lý, loại trừ theo lộ trình đã cam kết thông qua quản lý hạn ngạch nhập khẩu và sẽ phải dừng hoàn toàn việc nhập khẩu, sử dụng vào năm 2040. Từ năm 2024, các chất HFC bắt đầu được quản lý và loại trừ theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal mà Việt Nam phê chuẩn tham gia năm 2019.
Đào Thu
Bình luận