Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 13:01
Chủ nhật, 05/11/2023 10:11
TMO - Hướng tới mục tiêu xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, các nhà máy xanh, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng cơ chế ưu đãi với các doanh nghiệp bảo vệ môi trường. Đồng thời, từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường tại khu công nghiệp.
Thông tin từ UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, địa phương này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển 17 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam với tổng diện tích gần 4.400 ha; trong đó, có 8 khu công nghiệp đã tiếp nhận các dự án đầu tư, 9 khu công nghiệp đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đi vào hoạt động, chưa tiếp nhận dự án.
Hiện nay, có 7 khu công nghiệp đã tiếp nhận dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; có 8 khu công nghiệp đã lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Về đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, có 6 KCN đang hoạt động: KCN Phố Nối A, KCN Thăng Long II, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Minh Quang, KCN Yên Mỹ II, KCN Yên Mỹ đã xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, với hệ thống thu gom thoát nước mưa; hệ thống thu gom xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, cây xanh… Trong đó đã xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN và đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục.
Công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong các KCN, các Chủ đầu tư hạ tầng KCN và các Doanh nghiệp trong các KCN tự đầu tư, trang bị các công trình, phương tiện phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường. Đến nay có 5 KCN: KCN Phố Nối A, KCN Thăng Long II, KCN Minh Quang và KCN Yên Mỹ II và KCN Yên Mỹ đã bố trí hồ sự cố bảo đảm theo quy định. KCN Minh Đức và KCN Sạch đang triển khai và sẽ bố trí hồ sự cố theo đúng quy định. KCN Dệt may Phố Nối đã đi vào hoạt động từ năm 2002, không có quỹ đất để xây dựng hồ sự cố, chủ đầu tư hạ tầng đã đề xuất giải pháp kỹ thuật phòng ngừa và ứng phó sự cố và đề nghị được giao quỹ đất giáp hàng rào nhà máy xử lý nước thải số 1 để xây dựng hồ sự cố.
Xử lý nước thải công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong công tác kiểm soát, chất lượng môi trường khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: VN.
Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, mỗi năm, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trong toàn tỉnh gần 120 nghìn tấn, lượng nước thải công nghiệp phát sinh khoảng 80 nghìn m3/ngày đêm. Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp là yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Hầu hết lượng chất thải thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được phân loại tại nguồn, thu gom, tạm lưu giữ và thuê đơn vị có đủ chức năng vận chuyển, đưa đi xử lý theo quy định. Đối với những vi phạm về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất công nghiệp, ban quản lý phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị chức năng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.
Tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; trong đó quy định các doanh nghiệp xả nước thải có lưu lượng trên 100 m3/ngày đêm phải lắp đặt quan trắc tự động. Hiện đã có 20 cơ sở lắp đặt vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục. Đến nay, tất cả các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã có công trình xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; các dự án đầu tư vào tỉnh đã được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường trong sản xuất công nghiệp, hiện nay, hằng năm Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức giám sát, lấy và phân tích mẫu định kỳ đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có lưu lượng xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Thiết lập đường dây nóng của Sở Tài nguyên và Môi trường để chủ động nắm bắt, tiếp nhận, nhanh chóng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xả chất thải chưa qua xử lý, xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ; trong đó có những nhiệm vụ giải pháp: Ngăn ngừa ô nhiễm, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường các dự án sản xuất công nghiệp; góp ý kiến đối với dự án đầu tư vào tỉnh, từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Các khu, cụm công nghiệp sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; đưa vào hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh Hưng Yên xây dựng cơ chế ưu đãi với các doanh nghiệp bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu ây dựng các khu công nghiệp sinh thái.
Tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường các khu, cụm công nghiệp; cơ sở phát sinh chất thải lớn; tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát nước thải, khí thải tự động của các doanh nghiệp và các trạm quan trắc môi trường nước mặt, không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ, đôn đốc, yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư khu xử lý chất thải tập trung đảm bảo đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt....
Các khu, cụm công nghiệp phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong khu công nghiệp trước khi tiếp nhận, đưa vào hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ môi trường các khu, cụm công nghiệp; cơ sở phát sinh chất thải lớn; tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nước thải, khí thải tự động của các doanh nghiệp và các trạm quan trắc môi trường nước mặt, không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh đến mục tiêu, đến năm 2025: 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn và 95% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và sẵn sàng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; định hướng đến năm 2030, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
Để đạt được những mục tiêu trên đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng hiệu quả của các tầng lớp nhân dân; ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng xả nước thải, chất thải không đạt quy chuẩn ra môi trường; nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn; nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp; phát huy tính chủ động, tích cực trong chỉ đạo, điều hành công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương.
Hải Long
Bình luận