Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ ba, 06/08/2024 08:08
TMO – Kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, phát sinh nguồn thải lớn, chất thải chứa nhiều nguyên tố nguy hại cho môi trường, khó xử lý.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có 231 km kênh trục chính, trong đó có các tuyến kênh lớn chảy qua địa phận các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên như: Kim Sơn, Cửu An, Điện Biên, Tây Kẻ Sặt, Nam Kẻ Sặt, Đình Dù, Lạc Cầu, Đồng Than, Tràng Kỹ, Đình Đào, Lộng Khê-An Thổ, Lộng Khê-Cầu Xe.
Hiện nay trong “lưu vực” hệ thống Bắc Hưng Hải đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nhanh nền kinh tế thị trường. Cùng với sự phát triển ấy là tình trạng lấn chiếm, vi phạm công trình, xả rác thải, nước thải gây ô nhiễm nước kênh Bắc Hưng Hải. Tình trạng nêu trên xảy ra ngày càng nghiêm trọng, không thể kiểm soát, đã tác động lớn đến hiệu quả khai thác của công trình và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản của nhân dân.
Thủy lợi Bắc hưng Hải được đánh giá là một trong những điểm đen về ô nhiễm.
Là một trong những địa phương nằm trong khu vực hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, việc hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm nghiêm trọng suốt nhiều năm qua đã và đang tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân. Để giải quyết tình trạng này, mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Văn bản 1985/UBND-KT2 về việc tăng cường giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Theo đó, để kiểm soát, xử lý có hiệu quả, góp phần từng bước ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; tập trung rà soát, tổng hợp, đánh giá tổng thể hiện trạng các nguồn nước thải có xả thải trực tiếp và gián tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải; xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, triển khai các dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong cộng đồng.
Tham mưu cho UBND tỉnh này triển khai có hiệu quả đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn nhằm giảm thiểu, cải thiện chất lượng môi trường nước hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, nhất là nước thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh. Quan trắc giám sát chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải và các dòng sông, kênh theo quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh, các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt.
Tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có phát sinh lưu lượng nước thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt các cơ sở xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh. Có kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng tái chế chì xã Chỉ Đạo và tái chế nhựa thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung quyết liệt đối với các nguồn thải lớn vào hệ thống Bắc Hưng Hải và sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa theo đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải.
Giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, xem xét kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, phát sinh nguồn thải lớn, chất thải chứa nhiều nguyên tố nguy hại cho môi trường, khó xử lý. Phối hợp với Sở Tài chính rà soát nhu cầu đầu tư, xây dựng, cải tạo các hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Tham mưu UBND tỉnh đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng các khu, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư phải sử dụng công nghệ xử lý thân thiện môi trường nhằm giảm lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng phát sinh nước rỉ rác gây ô nhiễm nguồn nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải theo dõi, giám sát chất lượng, lưu lượng nước thải xả từ cống Xuân Thụy vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để kịp thời đưa ra giải pháp kiến nghị, xử lý nhằm giảm thiểu nguồn ô nhiễm thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; lập quy trình vận hành công trình thủy lợi theo quy định.
UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường liên quan đến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đề ra các kế hoạch, biện pháp cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng sông thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, yêu cầu hoàn trả hiện trạng lòng sông.
Xác định, xây dựng các điểm tập kết rác thải, khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cách xa tuyến sông, kênh; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ các bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải; tổ chức vận động người dân, doanh nghiệp tham gia tiến hành xã hội hóa việc thu gom rác thải; lựa chọn rà soát các đơn vị thu gom rác thải đủ điều kiện, khả năng tiềm lực thực hiện; tổ chức tốt việc tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc xã hội hóa thu gom rác cũng như tác hại của việc vứt rác bừa bãi xuống hệ thống thủy lợi, sông ngòi nói chung và sông Bắc Hưng Hải nói riêng để hạn chế nguồn gây ô nhiễm.
PHẠM DUNG
Bình luận