Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ năm, 27/06/2024 05:06
TMO - Thực trạng quản lý hoạt động giết mổ động vật còn nhiều hạn chế ở nhiều địa phương, dẫn đến chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng giảm, tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 440 cơ sở giết mổ (CSGM) tập trung, giảm 23 cơ sở so cùng kỳ năm 2023, gồm: 23 CSGM trâu/bò; 207 CSGM heo; 76 CSGM gia cầm; 1 CSGM dê, cừu và 133 CSGM hỗn hợp trên 2 loại động vật.
Bên cạnh đó, cả nước có 24.858 CSGM động vật nhỏ, lẻ, gồm: 1.629 CSGM trâu/bò; 17.736 CSGM heo; 4.721 CSGM gia cầm; 588 CSGM hỗn hợp và 184 CSGM động vật khác, tăng 204 cơ sở so với năm 2023. Hiện trên cả nước, ngành thú y chỉ kiểm soát được 17% tổng số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có giấy phép chứng nhận kinh doanh và không được chính quyền cho phép hoạt động là 18.102 cơ sở (73%).
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các lò mổ động vật nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Trong tổng số 433 CSGM động vật tập trung đang hoạt động, có 45 CSGM có dây chuyền giết mổ công nghiệp và 388 CSGM theo hình thức tập trung giết mổ (chiếm khoảng 90% số CSGM động vật tập trung). Cục Thú y cho biết, CSGM công nghiệp chủ yếu là do các tập đoàn, công ty quy mô lớn hoặc liên doanh với nước ngoài đầu tư bài bản với kinh phí rất lớn, giết mổ trên dây chuyền công nghiệp hiện đại theo một chuỗi khép kín từ khâu tồn trữ động vật, tháo tiết, móc lòng và thân thịt, tất cả được chạy trên dây chuyền xuyên suốt; có quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn thịt mát; có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ bảo đảm vệ sinh y tế, an toàn thực phẩm để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đối với các CSGM hoạt động theo hình thức tập trung giết mổ (trong cùng một địa điểm, chủ cơ sở phân lô từng dây chuyền có công suất giết mổ nhỏ hoặc chia ô cho hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ thuê), mô hình này có ở hầu hết các địa phương. Đại đa số CSGM này đều do một số tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư xây dựng, có hoặc không tham gia giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật và cho các hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ thuê để giết mổ động vật.
Mô hình giết mổ này cũng có nhiều tồn tại, bất cập như: Phần lớn cơ sở chưa có hệ thống giết mổ treo, có nơi còn lẫn lộn khu sạch và khu bẩn. Nhiều nơi việc giết mổ, sơ chế sản phẩm thịt sau khi giết mổ vẫn thực hiện trên sàn trong cùng khu vực giết mổ, không bảo đảm vệ sinh y tế, an toàn thực phẩm… Nhiều chủ cơ sở không quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; người tham gia giết mổ, sơ chế, bảo quản và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa thực hành tốt các quy trình để bảo đảm vệ sinh y tế, an toàn thực phẩm và môi trường.
Về giám sát an toàn thực phẩm và chất cấm trong chăn nuôi, năm 2023, các địa phương trong cả nước lấy 6.307 mẫu thịt tươi và 432 mẫu thịt chế biến để giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả, tỷ lệ mẫu thịt tươi ô nhiễm vi sinh vật vượt quá giới hạn cho phép chiếm 26,2%; tỷ lệ mẫu thịt chế biến tồn dư kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép chiếm 0,93%. Trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, an toàn thực phẩm đã phát hiện 45 vụ vi phạm, phạt 445.425.000 đồng.
Điển hình trong 2023, Cục Thú y cho biết, đã lấy 60 mẫu lau thân thịt lợn để kiểm tra nhiễm khuẩn Salmonella và Enterobacteriaceae. Kết quả cho thấy, có 12 mẫu kiểm tra nhiễm khuẩn Salmonella (20%) và 13 mẫu nhiễm Enterobacteriaceae (21,67%).Đồng thời, trong 40 mẫu da cổ gà được lấy để phân tích nhiễm khuẩn Salmonella có 1 mẫu nhiễm khuẩn (2,5%). Đối với 20 mẫu nước sử dụng được lấy để kiểm tra nhiễm khuẩn E.coli có 1 mẫu nhiễm khuẩn (5%).
Công tác kiểm soát giết mổ vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ (Ảnh minh họa).
Trong những năm qua, công tác quản lý thú y đã chú trọng, tập trung vào việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm thông qua giám sát dịch bệnh động vật, giám sát an toàn thực phẩm trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ động vật, bảo quản, buôn bán sản phẩm động vật. Các hoạt động giám sát này không những góp phần quan trọng trong việc cảnh báo sớm các nguy cơ dịch bệnh đối với động vật, nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, nhằm cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Thú y, công tác kiểm soát giết mổ vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện kiểm soát giết mổ. Tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng giết mổ không phép; hầu hết các địa phương khó kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực thực hiện kiểm soát giết mổ vẫn còn nhiều bất cập và thiếu nhân sự trong khi số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhiều, hoạt động giết mổ thủ công rất đa dạng, thời gian giết mổ lại cùng một khung giờ nên gây khó khăn cho quản lý hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ. Cùng với đó, vẫn tồn tại các cơ sở giết mổ không được cấp phép, không được kiểm soát giết mổ theo quy định. Điều này dẫn đến có nguy cơ cao việc buôn bán, giết mổ, chế biến động vật bị chết, mắc bệnh truyền nhiễm để làm thực phẩm, không chỉ gây mất an toàn thực phẩm mà còn làm lây lan dịch bệnh động vật và gây ô nhiễm môi trường…
Trước thực tế trên, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố cần có cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư cơ sở giết mổ tập trung; tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, nhất là hệ thống thú y các cấp; tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các cơ sở giết mổ tập trung thực hiện đúng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đối với Cục Thú y cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thú y ở cơ sở; tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế để Việt Nam có điều kiện tốt quản lý cơ sở giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát hoạt động giết mổ động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cụ thể, các địa phương cần khẩn trương rà soát, sớm ban hành kế hoạch của địa phương và có lộ trình xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023.
Rà soát, ban hành chính sách của địa phương để kêu gọi, khuyến khích đầu tư xây dựng CSGM tập trung; chỉ đạo các ban, sở, ngành phối hợp với UBND các cấp chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình, chỉ đạo các cơ quan liên quan vận động và có giải pháp triệt để đưa các CSGM nhỏ lẻ, tự phát vào giết mổ tại CSGM tập trung; kiên quyết xử lý các CSGM không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Riêng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, do điều kiện địa lý, trước mắt triển khai thực hiện tại các thành phố, thị xã (là nơi tập trung dân cư) nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; xây dựng Hệ thống thông tin kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm qua việc tạo cơ sở dữ liệu các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật và truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến.
Cần có những giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp, đảm bảo các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt 80 - 100% công suất. Sở NN&PTNT các tỉnh hằng năm cần xây dựng các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật. Chủ động bố trí nguồn kinh phí của địa phương để thực hiện các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt, gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật; xử lý triệt để theo quy định pháp luật đối với CSGM động vật tập trung không có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm và CSGM nhỏ lẻ không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm hành chính (nếu có) đối với các CSGM động vật trên địa bàn tỉnh, thành phố để đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.../.
Khánh Ly
Bình luận