Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 17:01
Thứ tư, 04/10/2023 14:10
TMO - Tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu duy trì và nâng cao Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) một cách bền vững, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo định hướng xanh. Theo đó, địa phương này tăng cường triển khai các chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) được xem là một công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ cùng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững mà trong đó tỉnh Vĩnh Phúc đã nằm trong top 10 địa phương có chỉ số PGI cao nhất cả nước với tổng điểm 16,35, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành.
Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp lớn của miền Bắc và cả nước. Tính đến 15/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng vốn của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt gần 6.27 tỷ USD; tổng vốn đầu tư các dự án vốn đầu tư trong nước DDI đạt gần 32.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 19 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 5.487ha, đến nay, đã có 16 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng diện tích đất quy hoạch là gần 3.157ha.
Tỉnh Vĩnh Phúc triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp đang tác động lớn đến chất lượng môi trường. Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc hiện tổng lượng nước thải tại các KCN trên địa bàn đạt khoảng 15.000 m3/ngày/đêm. Mặc dù hầu hết các khu công nghiệp đều lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống quan trắc tự động liên tục, thực hiện báo cáo đánh giá môi trường.... Bên cạnh hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (BVMT) được thiết kế đồng bộ, diện tích cây xanh trong các KCN cơ bản đảm bảo theo quy định, đạt 194 ha, chiếm gần 9% tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN đã thành lập bộ phận chuyên trách BVMT, có trách nhiệm vận hành hệ thống xử lý nước thải, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của doanh nghiệp.
Trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh luôn nhất quán với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Quan điểm này được khẳng định tại Quyết định số 2906 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án hạn chế thu hút đầu tư, không thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh triển khai tốt công tác quy hoạch, thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao. Trong quá trình thẩm định, cấp phép cho các dự án đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh luôn ưu tiên thu hút các dự án sản xuất thuộc các lĩnh vực, ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thâm dụng tài nguyên (nước, lao động, đất đai).
Sở TN&MT cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu duy trì chỉ số PGI nằm trong top 10 địa phương cao nhất cả nước, phấn đấu tổng điểm và điểm các chỉ số thành phần đều tăng hằng năm. Trong đó, chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH (cho doanh nghiệp): Duy trì đạt từ 4,35 điểm trở lên (Vĩnh Phúc đang thứ hạng 8); Chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu: Đạt từ 5,51 điểm trở lên (Vĩnh Phúc đang thứ hạng 10); Chỉ số Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh: Phấn đấu từ điểm số từ 4,48 (thứ hạng 15) lên 4,68 điểm trở lên (điểm hạng thứ 10); Chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường: Phấn đấu điểm số 2,02 (thứ hạng 24) lên 2,30 điểm trở lên (điểm hạng thứ 10).
Với nhiệm vụ giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH, Vĩnh Phúc yêu cầu các khu công nghiệp, CCN đang hoạt động, đầu tư mới phải đầu tư, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng KCN, CCN theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động; yêu cầu các chủ nguồn thải lắp đặt và kết nối dữ liệu quan trắc môi trường tự động nước thải, khí thải về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát trực tiếp theo quy định của pháp luật.
Địa phương này khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nhất là hệ thống xử lý nước thải, quan trắc môi trường... trong sản xuất. Ảnh: NL.
Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu thông qua việc xây dựng các phương án phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh, cấp huyện. Đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt, trong đó đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư (Gồm: 1-Thoát nước và xử lý nước thành phố Vĩnh Yên giai đoạn II - Lưu vực phía Tây thành phố Vĩnh Yên; 2- Hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các thị trấn Hương Canh, Thổ Tang, Tam Hồng, Yên Lạc, các điểm xử lý nước thải phân tán dọc sông Phan; 3- Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên giai đoạn II - Lưu vực phía Đông thành phố Vĩnh Yên; 4- Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý nước thải khu vực thành phố Phúc Yên). Duy trì tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%.
Với chỉ số thúc đẩy thực hành xanh, địa phương này tổ chức ít nhất 1-2 lần/năm Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp thông qua nhiều kênh giao tiếp nhằm lắng nghe ý kiến phản ánh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo trong thực thi chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp về sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa và sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường. Hướng dẫn doanh nghiệp trong việc áp dụng các giải pháp để hạn chế ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường không khí.
Đáng chú ý với các chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, Vĩnh Phúc đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hình thức mới, hiệu quả cao hơn, đảm bảo công tác chăm sóc nhà đầu tư tại chỗ và tạo điều kiện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước qua đó giúp các doanh nghiệp nắm bắt, tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn trong bảo vệ môi trường. Tiếp tục rà soát, đề xuất triển khai chính sách khuyến công, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong quá trình chuyển đổi xanh.
Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng; tăng cường, khuyến khích các ngành ít sử dụng năng lượng. Tham mưu ban hành cơ chế chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030.
Năm 2022 là năm đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác, xây dựng và công bố bảng xếp hạng chỉ số PGI như là một hợp phần về môi trường được tích hợp trong điều tra PCI. PGI được đánh giá dựa trên 4 chỉ số thành phần gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Tương tự như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, thì Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI có tính kết nối rõ ràng với các chính sách của địa phương và trên cơ sở này thúc đẩy sự cải thiện chính sách và thực thi chính sách phát triển xanh ở cấp tỉnh.
Đức Tuấn
Bình luận