Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 13:11
Thứ ba, 19/09/2023 18:09
TMO – Theo dự thảo quy định mới của Luật Địa chất và Khoáng sản, tranh chấp quốc tế về địa chất, khoáng sản được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, theo thông lệ, pháp luật quốc tế và pháp luật của các bên liên quan.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã có nhiều quy định mới về hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản. Theo đó, nguyên tắc hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản gồm: Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm phù hợp với đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đồng thời, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc hợp tác bình đẳng, đôi bên cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, tranh chấp quốc tế về địa chất, khoáng sản được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, theo thông lệ, pháp luật quốc tế và pháp luật của các bên liên quan.
Khu vực chế biến và xuất than của Tuyển than Cửa Ông (Cẩm Phả, Quảng Ninh)
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng quy định trách nhiệm trong hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản gồm: Nhà nước khuyến khích việc chủ động hội nhập quốc tế về nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Cùng với đó, Nhà nước khuyến khích đầu tư, hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ, sử dụng thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản địa chất, tài nguyên địa chất, khoáng sản, thăm dò khoáng sản và khai thác khoáng sản. Hơn nữa, tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện các yêu cầu, điều kiện và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản được quốc tế công nhận và áp dụng rộng rãi để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế.
Thêm vào đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản. Ngoài ra, Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản có trách nhiệm hằng năm đánh giá tình hình hoạt động hợp tác quốc tế của cơ quan mình, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo Luật Địa chất – Khoáng sản đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Dự kiến Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 năm 2024. Cũng tại kỳ họp thứ 7 và 8, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Phòng không nhân dân, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược...cũng được Quốc hội cho ý kiến và thông qua.
HẢI YẾN
Bình luận