Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Thứ bảy, 19/11/2022 20:11
TMO – Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh, không đạt mục tiêu đề ra, rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng, vùng Tây Nguyên đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và các áp lực từ hoạt động kinh tế - xã hội của nội vùng.
Theo phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030 khu vực Tây Nguyên sẽ thiếu khoảng 5,5 tỷ m3 nước/năm nếu không có các giải pháp quy hoạch, bảo vệ nguồn nước, trữ nước. Toàn vùng có khoảng 1,8 triệu ha đất đang bị suy thoái, giảm chức năng sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn lực đất đai, nhất là đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được sử dụng hiệu quả, xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm; tình trạng đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất tiếp tục phát sinh.
Nếu không có giải pháp căn cơ, vùng Tây Nguyên có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tây Nguyên là nơi khởi nguồn của các con sông lớn chảy xuống đồng bằng ven biển miền Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Campuchia như sông Mekong, sông Đồng Nai, sông Ba, sông SêSan, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc với trữ năng thủy điện chiếm 21% cả nước (chỉ sau vùng Tây Bắc). Tuy nhiên, nguồn nước đang đứng trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu gây hạn hạn hán gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân nơi đây.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị với các quan điểm, định hướng quyết sách tổng thể, trong đó nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh. Phát triển dựa trên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Bảo vệ, phục hồi môi trường đi đôi với sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất đai, tài nguyên khoáng sản.
Để chuyển hoá được các thách thức, tận dụng các cơ hội cho phát triển vùng Tây Nguyên theo các mục tiêu của Nghị quyết trong quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chủ động trong bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, một số chuyên gia cho rằng, cần thực hiện các giải pháp căn cơ, trong đó chú trọng đến bảo vệ nguồn nước, nhu cầu đất ở, đất sản xuất, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phạm Yến
Bình luận