Hotline: 0941068156
Thứ tư, 23/04/2025 18:04
Thứ tư, 23/04/2025 14:04
TMO - Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không bắt buộc phải chỉnh lý đồng loạt các giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu hoặc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Yên Bái mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, ngày 10/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản gửi các địa phương để hướng dẫn việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tập hợp số liệu diện tích tự nhiên trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương từ ba cấp thành hai cấp.
Văn bản đã quy định rõ nguyên tắc chỉnh lý, cách thức thực hiện, việc bảo quản và bàn giao hồ sơ địa chính từ cấp huyện về cấp xã, cấp tỉnh. Việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai do sắp xếp đơn vị hành chính phải được thực hiện đồng thời với việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất, đảm bảo thông suốt, không gây ách tắc cho người dân và doanh nghiệp.
Người dân không nhất thiết phải làm lại sổ đỏ sau khi sắp xếp địa giới hành chính. Ảnh minh họa.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không bắt buộc phải chỉnh lý đồng loạt các giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu hoặc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Ông lấy ví dụ: Nếu trước đây giấy chứng nhận đất được cấp bởi thành phố, địa danh trong đó ghi là xã ‘A’, nay không còn xã ‘A’ nữa thì người dân vẫn không cần điều chỉnh gì.
Các giấy tờ vẫn có giá trị pháp lý đầy đủ và không cần thay đổi, trừ khi người dân thực hiện thủ tục như chia tách, chuyển nhượng... Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ vừa thực hiện thủ tục hành chính, vừa chỉnh lý theo ranh giới hành chính mới, cập nhật số liệu, tờ thửa mới. Người dân hoàn toàn yên tâm, không phải mang sổ đỏ/sổ hồng đi điều chỉnh chỉ vì thay đổi tên đơn vị hành chính.
Về điều chỉnh, bổ sung pháp luật đất đai, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang rà soát để trình Chính phủ ban hành một nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trong bối cảnh chuyển từ mô hình chính quyền ba cấp sang hai cấp. Hiện nay, Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành, lĩnh vực đất đai có 66 thủ tục hành chính.
Trong đó cấp Trung ương là 2 thủ tục; cấp tỉnh (42 thủ tục) chủ yếu dành thực hiện cho tổ chức, doanh nghiệp; cấp huyện (21 thủ tục) và cấp xã là 1 thủ tục chủ yếu là hòa giải tranh chấp đất đai. Việc chuyển theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, phần lớn các thủ tục cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã. Tuy nhiên, những nội dung phức tạp như xác định giá đất thì đưa về tỉnh. Còn giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trước đây là cấp huyện thì bây giờ chuyển về cấp xã.
HẢI YẾN
Bình luận