Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 12:11
Thứ bảy, 29/07/2023 18:07
TMO - Ngoài tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nắng nóng còn gây thiệt hại lớn đối với mùa màng và vật nuôi, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực.
Theo một đánh giá của các nhà khoa học vừa được công bố, biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân chính gây ra các đợt nắng nóng khắc nghiệt hoành hành tại khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á trong tháng 7/2023.
Nhiều khu vực trên thế giới vừa trải qua tháng 7 với nhiều kỷ lục về nắng nóng được ghi nhận.
Theo đó, trong suốt tháng 7, thời tiết khắc nghiệt đã khiến nhiệt độ tại Mỹ, Trung Quốc và Nam Âu lập kỷ lục mới, gây ra các đám cháy rừng, tình trạng thiếu nước và số ca nhập viện liên quan đến nắng nóng gia tăng. Khoảng thời gian giữa tháng 7, hàng nghìn du khách đã được sơ tán khỏi đảo Rhodes của Hy Lạp để thoát khỏi những đám cháy rừng do đợt nắng nóng kỷ lục gây ra khiến Chính phủ Hy Lạp đưa ra cảnh báo nước này đang trong tình trạng “chiến tranh” khi phải đối phó với các đám cháy rừng lan rộng. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có biến đổi khí hậu thì khó có thể xuất hiện các đợt nắng nóng như vừa qua.
Cuối tháng 7, Hy Lạp sơ tán hàng chục nghìn dân khỏi khu vực cháy rừng.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ cao tại châu Âu và Bắc Mỹ hầu như không thể xuất hiện nếu không có tác động của biến đổi khí hậu. Các chuyên gia ước tính nồng độ khí nhà kính tăng cao khiến đợt nắng nóng ở châu Âu nóng hơn 2,5 độ C và nắng nóng ở Bắc Mỹ tăng lên 2 độ C so với trước đây. Ngoài tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nắng nóng còn gây thiệt hại lớn đối với mùa màng và vật nuôi. El Nino có thể đã góp phần làm tăng nhiệt độ ở một số khu vực, nhưng khí nhà kính gia tăng vẫn là yếu tố chính, và các đợt nắng nóng sẽ ngày càng có nhiều khả năng xảy ra nếu lượng khí thải không được cắt giảm. Các chuyên gia ước tính, các đợt nắng nóng khắc nghiệt kéo dài có khả năng xuất hiện sau 2 đến 5 năm nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình hiện nay được đánh giá đã tăng hơn 1,1 độ C.
PHƯƠNG LÊ
Bình luận