Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 09:01
Thứ năm, 08/12/2022 14:12
TMO - Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ vàm sông Mương Lộ đến rạch Bà Bóng) thuộc Tổ 9, Tổ 10, ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ vàm sông Mương Lộ đến rạch Bà Bóng), chiều dài 700m, thuộc Tổ 9, Tổ 10, ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Mức độ sạt lở: Sạt lở nguy hiểm. Lý do công bố tình huống khẩn cấp: Ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do thiên tai.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND huyện Long Hồ triển khai các giải pháp phi công trình và công trình nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn sản xuất và dân sinh theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành…
Sạt lở tại bờ sông Cổ Chiên chiều 5/12, khiến 12 căn nhà của hộ dân bị đổ sụp hoàn toàn, nhiều ha hoa màu bị nhấn chìm trong nước. Ảnh: P. Quang
Trước đó, vào ngày 5/12, tại khu vực này đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, phạm vi sạt lở có chiều dài khoảng 350 m, rộng khoảng 160 m, tổng diện tích sạt lở ước khoảng hơn 4,1 ha. Sạt lở đã ảnh hưởng đến 22 hộ dân với trên 100 nhân khẩu; trong đó,12 hộ dân có nhà bị sụp hoàn toàn và 10 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng phải di dời; làm thiệt hại 1 nhà kho, 1 xe cuốc đang thi công công trình đê bao và 2 ao nuôi cá. Ước tổng thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng. Hiện các hộ dân trong khu vực sạt lở đã được di dời đến nơi an toàn. Địa phương đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ nhằm giúp các gia đình tạm thời ổn định đời sống.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết, căn cứ theo thống kê thiệt hại ban đầu, bộ phận chuyên môn cấp xã, huyện và tỉnh đã phối hợp tạm tính giá trị hỗ trợ thiệt hại về cây trồng, cá nuôi, nhà ở và gạo cho các hộ dân bị thiệt hại do sạt lở với tổng kinh phí khoảng 835,2 triệu đồng. Cụ thể, hỗ trợ về nhà ở cho 12 hộ bị mất nhà, mỗi hộ 40 triệu đồng; 10 hộ di dời do có nguy cơ sạt lở là 30 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 15kg gạo/người trong vòng 3 tháng cho 58 nhân khẩu;... Đối với 12 hộ mất trắng nhà, có 4 hộ yêu cầu hỗ trợ tiền để xây nhà mới ổn định chỗ ở để làm ăn, sinh sống; 8 hộ còn lại yêu cầu được hỗ trợ nhà ở trong khu tái định cư.
Căn nhà đang tiếp tục có nguy cơ đổ sụp xuống sông Cổ Chiên. Ảnh: V.L
Theo đánh giá, tình hình sạt lở hiện vẫn có nguy cơ tiếp tục xảy ra. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Hòa Ninh đã thông báo, vận động người dân không ở lại trong khu vực có nguy cơ sạt lở; cử lực lượng làm rào chắn, cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm và thường xuyên trực tại vị trí này để theo dõi diễn biến, thông báo kịp thời để có biện pháp ứng phó.
Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã đến khảo sát trực tiếp tại khu vực sạt lở bờ sông Cổ Chiên Qua khảo sát thực tế, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long nhận định, hiện nay khu vực sạt lở còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tiếp tục sạt lở sâu vào đất liền. Do đó, các ngành chuyên môn cần tập trung khảo sát, nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân chính gây sạt lở, đồng thời tham mưu phương hướng khắc phục thiên tai, sớm có kế hoạch bảo vệ vườn cây ăn trái.
Chính quyền địa phương tổ chức bố trí biển báo cảnh giác khu vực sạt lở trên đường bộ và đường sông, không để người dân vào khu vực có nguy cơ sạt lở; cử lực lượng thường xuyên trực tại các khu vực này để theo dõi diễn biến sạt lở, nhằm kịp thời ứng phó; rà soát, vận động người dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn. Song song đó, các ngành, đoàn thể tích cực vận động nguồn lực, đồng hành, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do sạt lở tạm thời ổn định cuộc sống trong thời gian chờ cấp thẩm quyền hỗ trợ theo quy định.
Nhằm đánh giá toàn diện nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở nghiêm trọng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Long cho biết đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định tạm dừng khai thác cát đối với doanh nghiệp tư nhân tại khu vực này. Theo đó, khu vực mỏ cát này còn hiệu lực đến hết tháng 12-2022 và nằm cách điểm sạt lở chừng hơn 200m. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Long chưa thể đánh giá nguyên nhân sạt lở do tính chất vụ việc rất đặc biệt. Qua khảo sát ban đầu trường hợp sạt lở này sụp từ bên trong, phải chờ đánh giá từ đơn vị khoa học.
Sông Cổ Chiên là một nhánh của sông Tiền, dài 82 km, bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long, chảy ra Biển Đông. Con sông này là ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Thời gian qua, do biến đổi khí hậu, cộng với tác động của con người khiến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL có khoảng 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610km. Trong đó, 127 điểm đặc biệt nguy hiểm với chiều dài hơn 127km, 137 điểm nguy hiểm với chiều dài 193km. Khai thác cát là một trong 6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở hiện nay. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng diễn ra khá phổ biến ở khu vực này.
Trần Hoàng
Bình luận