Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 11:11
Thứ hai, 13/05/2024 08:05
TMO - Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệu. Theo đó, xét báo cáo của Bộ Y tế về kết quả thực hiện tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục bám sát tình hình, kịp thời xử lý các vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu. Đồng thời, khẩn trương rà soát, hoàn thiện trong tháng 5/2024 các quy định liên quan của Bộ, bảo đảm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng quy định nhằm khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam sản xuất được.
Dược liệu ngay sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế và đưa vào chế biến.
Trước đó, Chính phủ ban hành Công điện gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu. Công điện nêu: Thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu một số dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, còn có nguyên nhân là vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 48/2018/TT-BYT và Thông tư 03/2021/TT-BYT.
Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định.
Thống kê đến cuối năm 2023, tổng diện tích phát triển cây dược liệu trên địa bàn cả nước là 357.178ha, trong đó diện tích trồng trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trồng dưới tán rừng là 220.178ha; trồng trên đất nông nghiệp, cả cây lâu năm và cây ngắn ngày là 137.000ha, tổng số loài cây dược liệu gây trồng là 150 loài cây khác nhau. Trong đó, vùng Tây Bắc bộ là 46.181ha, bao gồm 57 loài, trong đó chủ yếu là cây quế (10.312ha), thảo quả (6.543,7ha), sơn tra/táo mèo (14.634ha); vùng Đông Bắc Bộ diện tích phát triển cây dược liệu là 270.565ha, bao gồm 59 loài; trong đó cây trồng chủ yếu là quế (160.207ha), hồi (59.525ha), thảo quả (16.155ha), ba kích (2.936ha); sa nhân (2.630ha); vùng Tây Nguyên diện tích phát triển cây dược liệu là 13.330ha, bao gồm 24 loài cây dược liệu; trong đó loài cây trồng chủ yếu là nghệ (2.894ha), sâm Ngọc Linh (1.750ha), gừng (1.179ha), sả (1.161ha)….
Với xu thế chung toàn cầu về việc sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, dược liệu được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống thảo dược. Nhu cầu sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu chăm sóc, bảo vệ sức ngày càng cao.
PHẠM DUNG
Bình luận