Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ ba, 24/05/2022 09:05
TMO - Nhằm chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa năm nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương đề ra nhiều giải pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Trong đó, công tác bảo đảm an toàn hồ, đập trên địa bàn tỉnh đặc biệt được chú trọng.
Theo báo cáo, thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh chủ yếu do mưa lớn, lốc xoáy và triều cường. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 trận thiên tai, làm thiệt hại về tài sản gần 55 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra các trận mưa to hoặc mưa dông kèm lốc, sét đã gây ngập lụt nhà cửa, nội ô, hoa màu. Ước thiệt hại về tài sản khoảng 78,5 triệu đồng.
Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ban chỉ huy các huyện, thị, thành phố phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình thủy lợi, đê điều phòng chống thiên tai trên địa bàn do địa phương, đơn vị mình quản lý.
(Ảnh minh họa)
Trong đó, đặc biệt, phải kiểm tra kỹ các hồ chứa nước, các cống dưới đê bao ven sông, các trạm bơm, đê bao, bờ bao ngăn triều, chống lũ, hệ thống kênh tiêu thoát nước. Kiểm tra chi tiết các bộ phận xung yếu của công trình, như: Cửa van, máy đóng mở, mái đập thượng, hạ lưu, tràn xả lũ, cống dưới đập của các hồ chứa nước; các công trình mới đưa vào khai thác sử dụng, mới được sửa chữa nâng cấp và các hồ chứa nước nhỏ cũng được kiểm tra.
Sở NN&PTNT đã có các Công văn số 583/SNN-XDCT ngày 28/3/ 2022 về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2022; Công văn số 622/SNN-XDCT ngày 30/3/2022 thực hiện các biện pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2022. Trong đó đã chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác thực hiện một số nội dung nhằm bảo đảm an toàn các hồ chứa, đê điều trong mùa mưa lũ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 công trình hồ chứa thủy lợi (không có hồ thủy điện), trong đó Sở NN&PTNT quản lý 5 hồ chứa, các doanh nghiệp tư nhân quản lý 3 hồ chứa. Các hồ chứa đều có dung tích nhỏ (dưới 10 triệu m3); hạ lưu các hồ chứa là vùng trũng thấp, không có dân cư sinh sống, chỉ có đất sản xuất nông nghiệp.
Tháng 4/2022, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị, thành phố và đơn vị quản lý, khai thác công trình tổ chức kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ năm 2022 tại một số công trình trọng điểm như hồ Cần Nôm, hồ Đá Bàn, hồ Từ Vân I, II; đê bao An Sơn - Lái Thiêu, Tân An - Chánh Mỹ, An Tây - Phú An; kênh tiêu Bình Hòa, Sóng Thần - Đồng An... nhằm phát hiện, nâng cấp những hạng mục thủy lợi, phát huy hiệu quả tối đa trong công tác phòng chống thiên tai nhất là mùa mưa lũ năm nay.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm an toàn đập hồ chứa trong mọi tình huống, Chi cục thủy lợi tỉnh đã tham mưu Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị quản lý tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất các công trình. Đề nghị các đơn vị quản lý, khai thác khắc phục, sửa chữa kịp thời các hư hỏng; gia cố, nâng cấp các đoạn đê bao, hạng mục công trình bị xuống cấp, hư hỏng; kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia về quy trình quản lý, vận hành công trình hồ chứa.
Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức trực ban phòng chống thiên tai nghiêm túc, thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin về khí tượng thủy văn, triều cường, xả lũ các hồ chứa đầu nguồn; các dự báo về tình hình thời tiết, nhiệt độ, khí tượng thủy văn, mưa, bão để có thông báo, thông tin cảnh báo kịp thời đến các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, các địa phương và người dân để có biện pháp chủ động ứng phó.
Minh Phương
Bình luận