Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ sáu, 02/12/2022 08:12
TMO – Tính từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 về lĩnh vực du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 đạt 596,9 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm trước do các đường bay quốc tế đã khôi phục trở lại.
Trong tháng 11, lượng khách du lịch đến từ châu Á cao nhất với hơn 417.000 lượt người. Trong đó, Hàn Quốc là nơi có lượng khách du lịch đến Việt Nam cao nhất với hơn 144.000 lượt khách. Tính chung 11 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: H.T)
Xét theo phương tiện du lịch, khách đến Việt Nam bằng đường hàng không đạt 2,67 triệu lượt người, chiếm 88,9% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 27,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ đạt hơn 326.100 lượt người, chiếm gần 11,1% và gấp 7,6 lần; bằng đường biển đạt 855 lượt người, chiếm 0,03%. Trong 11 tháng năm 2022, Hàn Quốc là quốc gia có lượt khách du lịch đến Việt Nam đông nhất với hơn 763.000 người, gấp gần 27 lần so với cùng kỳ năm 2021. Mỹ là quốc gia có lượt khách du lịch cao thứ 2 đến Việt Nam với hơn 266.000 lượt người, tăng 82 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Để du lịch phát triển bền vững
Trong những năm qua, du lịch Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch cũng gây những tác động không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam nói chung và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt khách du lịch trong nước và quốc tế.
Vấn đề về chất thải, nước thải phát sinh trong lĩnh vực du lịch chưa được thu gom và xử lý kịp thời theo quy định. Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được thực hiện đồng bộ, hoặc có thực hiện nhưng không thường xuyên tại các khu, điểm du lịch. Nước thải từ các cơ sở du lịch vẫn còn tình trạng chưa được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày một gia tăng trong những năm qua cũng làm giảm sự hấp dẫn các điểm đến của du lịch Việt Nam.
Vì vậy, để phát triển du lịch bền vững, đòi hỏi phải đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, ngành du lịch cần xây dựng năng lực quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương; hoàn thiện chương trình, kế hoạch hành động trước mắt và lâu dài về bảo vệ môi trường của ngành, đặc biệt là công tác đầu tư; có những biện pháp tác động đến hành vi của các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch, bao gồm cả cơ sở kinh doanh du lịch, khách du lịch và cộng đồng.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực kiểm soát, phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động du lịch; Đảm bảo sự đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành được tiến hành hợp lý, có sự đánh giá đầy đủ những tác động đến môi trường và biện pháp giảm thiểu; Tăng cường những chương trình, kế hoạch về ưu tiên phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch; Việc khai thác tài nguyên du lịch phải được kiểm soát và phù hợp với khả năng duy trì, tái tạo của tài nguyên; Đẩy mạnh phối hợp với ngành liên quan để kiểm soát các tác động từ hoạt động du lịch, cũng như hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường.
Yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường du lịch đòi hỏi vai trò quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước cả trong lĩnh vực môi trường và du lịch, do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền, giáo dục cho người dân, cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong trường hợp cần thiết, phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, bởi môi trường là vấn đề mang tính chất liên ngành, liên vùng. Ngoài chủ trương chính sách, hành động cụ thể, cần có giải pháp đồng bộ với sự tham gia của các ngành, tránh gây ra những tác động xấu lên môi trường.
Tú Quyên
Bình luận