Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 21:01
Chủ nhật, 10/09/2023 11:09
TMO - Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu đã khiến tình trạng xói lở bờ biển tại tỉnh Quảng Nam diễn ra nghiêm trọng. Đặc biệt, tại khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An) diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng môi trường, thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và ngành du lịch tại địa phương.
Hội An là thành phố du lịch có bề dày lịch sử, nằm ở phía hạ lưu của sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc khu vực bờ biển Trung Bộ, một trong 13 lưu vực sông lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, trong những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra rất phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu đô thị, khu dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các khu du lịch.
Đáng chú ý, hơn 6 km bờ biển Hội An đã và đang bị xâm thực mạnh bất thường; tuyến giao thông biển (đường Âu Cơ) có nguy cơ bị ảnh hưởng; các doanh nghiệp khách sạn lớn, nhà hàng ven biển chịu tổn thất rất nặng nề. Hiện tượng sạt lở vẫn tiếp tục lan dần về phía Tây Bắc (phường Cẩm An), với gió cấp V, VI cũng gây sạt lở bờ; có đoạn tạo vách đứng cao 1 - 1,5m. Nhiều công trình kè bảo vệ của khách sạn, của nhà hàng đã bị cuốn trôi.
Trong năm 2022, do ảnh hưởng của mưa bão, bờ biển thuộc phường Cẩm An, TP Hội An sạt lở toàn tuyến khiến nhiều nhà dân, khu du lịch bị cuốn trôi. Cụ thể, tại khối An Bàng, đoạn bờ biển không có kè tạm bị sạt lở khoảng 3-4m. Tại khối Tân Thành, bờ kè tạm có một số đoạn bị sóng biển làm hư hỏng, sạt lở, toàn bộ khối lượng đất đắp bị trôi, có đoạn bị sạt vào phía trong bờ kè. Đặc biệt, tại khối Thịnh Mỹ, đoạn không có kè tạm bị sạt lở 3-5m. Ngoài ra, tại đoạn này có 4 căn nhà bị sạt lở nghiêm trọng.
Bờ biển Hội An bị xâm thực mạnh, xói lở nghiêm trọng những năm trở lại đây.
Xói lở bờ biển cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các khu du lịch... Vấn đề này đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế của Hội An, thành phố nằm trong danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO với trọng điểm là ngành du lịch có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế địa phương.
Để bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu vào đất liền, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp, công trình khắc phục tình trạng xói lở tại bờ biển Hội An. Tuy nhiên, các công trình bảo vệ bờ biển Hội An thời gian qua mang tính tự phát, riêng lẻ và manh mún nên chưa hiệu quả và thiếu bền vững. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên địa phương mới chỉ thực hiện giải pháp công trình được khoảng 1,7 km trên tổng số hơn 6 km bờ biển cần được bảo vệ trước nguy cơ xâm thực ngày càng nặng hơn. Vấn đề cấp thiết đặt ra là cần có một chiến lược bảo vệ tổng hợp cùng cách thức quản lý vùng bờ phù hợp, hiệu quả.
Theo các chuyên gia, để quản lý bền vững bờ biển Hội An, cần phải có các giải pháp toàn diện để ngăn chặn xói lở, sạt lở; triển khai đồng thời các biện pháp công trình (kè chắn sóng, mỏ hàn và nuôi bãi) và phi công trình (Kế hoạch quản lý khu vực ven biển), nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ sạt lở ven biển và biến đổi khí hậu.
Một số chuyên gia cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần có một chiến lược bảo vệ tổng hợp cùng cách thức quản lý vùng bờ phù hợp, hiệu quả. Trước hết, để ứng phó với những tác động của xói lở và phục hồi bãi biển, cần có các biện pháp công trình và phi công trình; cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ, xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp bờ biển giúp giải quyết được nguyên nhân gốc rễ tình trạng mất cân bằng dòng vận chuyển bùn cát ven bờ. Từ đó, nâng cao được khả năng phục hồi tổng thể của toàn bộ dải bờ biển...
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, cần có một chiến lược bảo vệ tổng hợp cùng cách thức quản lý vùng bờ phù hợp, hiệu quả. Ảnh: TD.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An và giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư tổng mức đầu tư xây dựng 42 triệu euro, tương đương 982.239 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư vay ODA, viện trợ không hoàn lại và ngân sách tỉnh. Trong đó có khoản vay 35 triệu Euro từ AFD, 2 triệu Euro viện trợ không hoàn lại từ Liên minh châu Âu và 5 triệu Euro sử dụng vốn đối ứng của địa phương. Các bên liên quan đang hoàn thiện thủ tục đàm phán, dự kiến sẽ tiến hành đàm phán, ký hiệp định vào cuối năm nay để triển khai.
Dự án được chia làm 03 hợp phần. Trong đó hợp phần 1 gồm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phạm vi xây dựng công trình từ cửa sông, cầu tàu đi Cù Lao Chàm dọc về hướng Bắc đến biên phía Bắc của khách sạn Victoria dài khoảng 3.393,5m. Tuyến đê ngầm giảm sóng có ổng chiều dài khoảng 2.090m, mặt cắt đê hình thang, kết cấu đá đổ, mặt ngoài phủ khối bê tông đúc sẵn Hodlquader. Đổ cát tạo bãi khô và bãi tắm. Đổ cát nuôi bãi ở cuối dự án phía Bắc đang triển khai theo khuyến cáo của AFD.
Hợp phần 2 gồm các biện pháp phi công trình, nghiên cứu, đánh giá củng cố cơ chế và thể chế tổ chức quản lý tổng hợp lưu vực vùng bờ. Xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung cho lưu vực vùng bờ. Củng cố các hệ thống quan trắc chất lượng nước, môi trường tự động. Xây dựng công cụ giám sát khai thác tài nguyên, đánh giá, giám sát, quan trắc trên hệ thống sông và vùng bờ. Nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống lưu vực vùng bờ hướng đến lưu vực và vùng bờ bền vững theo định hướng phát triển của các địa phương trong lưu vực.
Hợp phần 3 gồm quản lý dự án, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật quản lý dự án, thí nghiệm mô hình vật lý. Nhà thầu khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng là Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Nhà thầu thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng là Trung tâm nước và Môi trường Việt Nam - Hà Lan. Dự kiến sẽ triển khai công tác thiết kế, đấu thầu thi công trong trong quý I/2024.
Thu Nga
Bình luận