Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ ba, 23/05/2023 13:05
TMO - Tỉnh Quảng Trị tập trung huy động nguồn lực, đầu tư các dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai đặc biệt là các công trình phòng chống sạt lở bờ sông trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Biến đổi khí hậu và khai thác cát trái phép được cho là nguyên nhân chính khiến bờ của các con sông ở tỉnh Quảng Trị bị sạt lở ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9-11 hàng năm. Tình trạng này không chỉ gây mất đất sản xuất, đất ở, làm hư hỏng công trình của Nhà nước và cộng đồng, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
Giai đoạn từ năm 2010 - 2021, khoảng 385ha đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bị tình trạng sạt lở cuốn trôi. Không những vậy, nhiều khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp và gây mất an toàn đến hệ thống hạ tầng cơ sở; trong đó, có 49,12km thuộc các tuyến đường giao thông; 74,8km thuộc công trình đê điều và các công trình văn hóa khác.
Sạt lở bờ sông Thạch Hãn kéo sập nhà người dân ở thôn Như Lệ, thị xã Quảng Trị (10/2022). Ảnh: HT.
Những năm gần đây, bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhất là đoạn qua các xã Triệu Thượng, Triệu Giang, Triệu Đông, Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Long, huyện Triệu Phong; xã Gio Việt và Gio Mai, huyện Gio Linh. Ngoài ra, bờ sông Hiếu bị sạt lở nghiêm trọng đoạn qua các xã Cam Thủy, Cam Hiếu, huyện Cam Lộ và Phường 3, thành phố Đông Hà; bờ sông Bến Hải đoạn qua xã Trung Sơn, Trung Giang, huyện Gio Linh tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp. Với địa hình dốc theo hướng từ Tây sang Đông, lũ trên sông Thạch Hãn thường lên rất nhanh mỗi khi có mưa lớn kéo dài.
Ngoài ra, bờ sông Bến Hải đoạn qua các xã: Trung Sơn, Trung Giang (thuộc huyện Gio Linh); Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) tình trạng sạt lở cũng diễn biến phức tạp. Bờ sông Ô Lâu ở huyện Hải Lăng bị sạt lở nặng đoạn qua các xã Hải Chánh và Hải Sơn. Bờ sông Vĩnh Định đoạn qua các xã: Triệu Tài Tài, Triệu Hòa, Triệu Hòa (huyện Triệu Phong) đang bị sạt lở quy mô lớn.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng được 67,33km kè chống sạt lở dọc bờ sông, bờ biển, kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông dân sinh, cải tạo môi sinh, môi trường tại địa phương… Đồng thời, thực hiện xây dựng các khu tái định cư cho người dân trong vùng bị sạt lở nghiêm trọng.
Trong đó, vào cuối năm 2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án kè chống xói lở khẩn cấp các đoạn sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tháng 7/2022, UBND Quảng Trị đã phê duyệt dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Thạch Hãn trên địa bàn huyện Triệu Phong: đoạn qua Tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử và các thôn Đại Thượng Hạ, Cồn Bồi Kiệt, An Định (xã Triệu Long) với tổng mức đầu tư 11,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 133km bờ sông, bờ biển bị sạt lở hiện chưa được khắc phục, xử lý. Trong đó có gần 27km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến 3.975 hộ dân và gần 73km sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến 7.000 hộ dân.
Địa phương này chủ động huy động, bố trí nguồn lực đầu tư các công trình khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn. Ảnh: NL.
HĐND tỉnh Quảng Trị cũng đã đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 để xử lý sạt lở bờ sông với tổng mức 95 tỷ đồng có quy mô đầu tư 6km kè chống sạt lở bờ sông trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ. Hiện tại địa phương này đã bố trí 45 tỷ đồng để thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2022-2026, Quảng Trị sẽ xây dựng các tuyến kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển có chiều dài trên 38km với tổng kinh phí dự kiến 891 tỷ đồng. Trong đó, khắc phục sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 27km, kinh phí 546 tỷ đồng; sạt lở nguy hiểm 11,3km với kinh phí 345 tỷ đồng.
Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, về phía địa phương thường xuyên khảo sát, đánh giá để khoanh vùng các vị trí có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời thông tin đến người dân, chính quyền địa phương các vùng sạt lở di dời người, tài sản đến nơi an toàn mỗi khi gặp thời tiết bất lợi. Đối với nhóm giải pháp công trình, tỉnh sẽ lập dự án và triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhiều khu dân cư, hộ dân sống trong khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng đã được di dời đến các khu tái định cư khác sinh sống.
Lê Dương
Bình luận