Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 25/04/2025 21:04
Thứ sáu, 25/04/2025 12:04
TMO - Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Indonesia trong đó có mặt hàng sầu riêng.
Indonesia đang tận dụng cơ hội từ nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đối với sầu riêng, với giá trị nhập khẩu mặt hàng này đạt gần 7 tỷ USD vào năm ngoái. Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, tại cuộc Đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Indonesia; trong đó có mặt hàng sầu riêng, một bước đi quan trọng để thu hẹp sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc.
Hai quốc gia này đã có những cuộc thảo luận về việc tăng cường hợp tác thương mại; trong đó Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm lớn trong việc cấp quyền tiếp cận thị trường lớn hơn cho các sản phẩm của Indonesia, cụ thể là thủy sản và sầu riêng.
Tháng 3 vừa qua, đoàn Hải quan Trung Quốc đã đến các nông trại trồng sầu riêng Indonesia để kiểm tra quy trình sản xuất từ trồng trọt, thu hoạch đến đóng gói sản phẩm. Nếu kết quả đánh giá được thông qua, đây sẽ là bước ngoặt trong kế hoạch thâm nhập thị trường sầu riêng Trung Quốc của Indonesia.
Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Indonesia trong đó có mặt hàng sầu riêng.
Một trong những nguồn cung quan trọng là Parigi Moutong, một huyện thuộc tỉnh Trung Sulawesi, nổi tiếng với giống sầu riêng Monthong. Loại sầu riêng này có nguồn gốc từ Thái Lan nhưng hiện được trồng rộng rãi ở Indonesia và Việt Nam. Sầu riêng Monthong có kích thước lớn, thường nặng từ 3kg đến 5kg, chứa nhiều kem, có vị ngọt đậm đà, hạt nhỏ và phần thịt dày hơn so với nhiều giống khác.
Hiện nay, sầu riêng Monthong đông lạnh của Indonesia đã xuất hiện tại Trung Quốc nhưng chủ yếu thông qua kênh trung gian từ Thái Lan. Giờ đây, với việc thiết lập chuỗi cung ứng trực tiếp, Indonesia có thể rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm chi phí đáng kể.
Trung Quốc áp dụng các quy định nghiêm ngặt đối với sầu riêng nhập khẩu, yêu cầu nông dân và nhà cung cấp Indonesia tuân thủ các tiêu chuẩn cao như Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Thực hành xử lý tốt (GHP) và Thực hành sản xuất tốt (GMP) để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, toàn bộ chuỗi cung ứng sầu riêng phải có khả năng truy xuất nguồn gốc, giúp tăng tính minh bạch và trách nhiệm trong quá trình xuất khẩu. Cơ quan Kiểm dịch Indonesia đã phát triển hệ thống mã vạch, giúp các viên chức dễ dàng quét và xác nhận sản phẩm đến từ cơ sở đóng gói hoặc đồn điền nào./.
Trần Nam
Bình luận