Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ sáu, 10/03/2023 12:03
TMO - Tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trước thực trạng này, tỉnh Tiền Giang đã tăng cường huy động các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân.
Theo thống kê của ngành chức năng, tỉnh Tiền Giang hiện còn 98 điểm sạt lở lớn, tổng chiều dài gần 4.200 m. Nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng cần phải xử lý khẩn cấp để bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân. Trong đó, sông Ba Rày là một trong những tuyến sông sạt lở nặng nề và còn diễn biến phức tạp. Mùa mưa lũ năm 2022, tuyến sông Ba Rày chảy qua huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy đã có hàng chục điểm sạt lở lớn, nhỏ.
Sông Ba Rày là một trong những tuyến sông sạt lở nặng nề và còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Xã Tân Phong, huyện Cai Lậy là xã cù lao, bốn bề sông Tiền bao bọc nên những năm gần đây, sạt lở diễn biến rất phức tạp. Tổng diện tích tự nhiên của cù lao này khoảng 2.380 ha, trong đó diện tích mặt nước chiếm đến 50% nên diện tích đất sản xuất bình quân đầu người thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của tỉnh. Bình quân mỗi năm đất liền xã Tân Phong bị sạt lở từ 02 - 03m, làm mất đất sản xuất từ 02 - 03 ha, ảnh hưởng rất lớn đến nhà cửa, sản xuất và thu nhập của người dân.
Trước mắt, Tiền Giang đã đầu tư hoàn thành tuyến kè chống sạt lở tổng chiều dài hơn 1.700 m, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân xã Tân Phong. Đồng thời, Ban Quản lý dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục đầu tư hơn 118 tỷ đồng làm kè kiên cố phòng, chống sạt lở trên đoạn đê dài trên 900 m.
Cũng thuộc vị trí xung yếu, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo nằm trên rạch Kỳ Hôn, nối với kênh Chợ Gạo, là tuyến kênh vận tải huyết mạch từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Mỗi ngày đêm, đoạn sông này có khoảng 1.500 phương tiện thủy có tải trọng lớn, từ 200 tấn đến 1.000 tấn qua lại, tạo nên những cơn sóng mạnh đánh thẳng vào bờ, là nguyên nhân chính gây sạt lở bờ đê Vàm Kỳ Hôn.
Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang nhận định, từ các nghiên cứu khoa học và quan trắc qua nhiều năm cho thấy khoảng từ năm 2010 trở lại đây, tình hình sạt lở bờ sông, rạch, nhất là khu vực các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh diễn ra nhanh chóng, khó lường, nhiều về số lượng điểm và nghiêm trọng về mức độ. Đặc biệt, trên các tuyến sông Ba Rài, kênh 28, sông Cái Bè, kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh 6, sông Trà Tân,… thường xuyên xảy ra sạt lở bất ngờ và khó lường.
Đánh giá sơ bộ về nguyên nhân cho thấy do lượng bùn cát, phù sa từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về giảm mạnh trong những năm gần đây, nền đất yếu vừa chịu ảnh hưởng mạnh mẽ chế độ bán nhật triều biển Đông cũng như tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, mật độ sông, rạch dày đặc với nhiều đoạn cong, nơi ngã ba sông dòng chảy đạp thẳng vào bờ dễ gây sạt lở cũng như các công trình lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy khiến gia tăng nguy cơ sạt lở.
Tỉnh Tiền Giang huy động các nguồn lực đầu tư công trình kè chống sạt lở bờ sông.
Trước tình hình trên, để khắc phục, tỉnh đã chủ động đưa ra các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó, phòng, chống sạt lở, bảo vệ tài sản và tính mạng Nhân dân cũng như các công trình kiến thiết hạ tầng nông thôn. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân chủ động ngăn ngừa sạt lở thông qua việc trồng cây chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi, hạn chế các nguyên nhân đưa đến sạt lở bảo vệ vườn cây, nhà cửa, khu dân cư. Tiến tới xây dựng quy chế bảo vệ, khai thác hệ thống kênh, rạch trên địa bàn một cách hợp lý và hiệu quả bền vững.
Mặt khác, tỉnh giao các địa phương rà soát, kiểm tra, phân loại mức độ ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở theo phân cấp quản lý. Những điểm sạt lở nhỏ do xã đầu tư khắc phục, điểm lớn hơn do cấp huyện đầu tư và các điểm phức tạp tỉnh sẽ đầu tư khắc phục trên cơ sở huy động các nguồn lực địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bờ sông, kênh rạch. UBND tỉnh cũng lưu ý các địa phương ưu tiên thực hiện những giải pháp di dời dân, di dời nhà ở, di dời công trình…khỏi nơi nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng của Nhân dân.
Năm 2023, tỉnh tiếp tục khẩn trương triển khai nhiều công trình phòng, chống sạt lở như: công trình Kè chống sạt lở bờ kênh 28, chiều dài 706 m, kinh phí đầu tư trên 57,5 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ sông Tiền đoạn cù lao Tân Long, chiều dài 700 m, kinh phí gần 48 tỷ đồng. Để công tác xử lý sạt lở đạt hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đang dự thảo công văn đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện 8 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp, với tổng kinh phí trên 2.100 tỷ đồng.
Đó là dự án xói lở bờ biển Gò Công - Đoạn 3, huyện Gò Công Đông; dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (đoạn 5), huyện Cai Lậy; dự án xử lý sạt lở cù lao Tân Long (đoạn 7), thành phố Mỹ Tho; dự án xói lở bờ sông Tiền (đoạn đầu Vàm Kỳ Hôn), xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo; dự án xử lý sạt lở đê ven sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng, An Hữu, Tân Thanh thuộc huyện Cái Bè (giai đoạn 2); dự án xử lý sạt lở kênh 28 tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (đoạn 4); dự án xử lý sạt lở sông Tiền tại cù lao Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho và dự án xử lý sạt lở kênh Nguyễn Văn Tiếp tại khu vực chợ Thiên Hộ thuộc huyện Cái Bè.
Minh Trí
Bình luận