Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Chủ nhật, 24/09/2023 07:09
TMO - Tỉnh Tiền Giang tăng cường rà soát, hoàn thiện danh mục dự án cấp bách phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh, qua đó kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án xử lý sạt lở khẩn cấp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của việc can thiệp mạnh mẽ vào chế độ dòng chảy trên sông Mekong để lấy nước tưới, phát điện… sẽ làm cho tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại tỉnh trong tương lai càng thêm phức tạp và có nhiều khả năng tăng mạnh về mức độ. Số liệu thống kê từ năm 2016 - 2021 cho thấy, tỉnh đã tiến hành xử lý 664 điểm sạt lở bờ sông, bờ kinh với tổng chiều dài khoảng hơn 60km, kinh phí hơn 494 tỷ đồng. Trong năm 2022, Sở NN&PTNT đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương xử lý 135 điểm sạt lở với chiều dài 8,987km, kinh phí xử lý hơn 150 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến tháng 8/2023, tỉnh Tiền Giang có 84 điểm sạt lở với khoảng 28km, kinh phí khắc phục gần 950 tỷ đồng. Hiện tỉnh vẫn còn 10 vị trí sạt lở cần đầu tư khẩn cấp với khoảng 2.800 tỷ đồng để ứng phó tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra.
Tỉnh Tiền Giang hiện còn 10 vị trí sạt lở cần đầu tư khẩn cấp.
Tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện 3 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp, với tổng kinh phí 400 tỷ đồng. Cụ thể, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai Dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên sông Cái Bè (kênh 28). Hiện nay, kênh 28 qua địa phận huyện Cái Bè thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 2.100m đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn liên xã của huyện Cái Bè.
Sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và nhà cửa của 1.350 hộ dân đang sinh sống ven theo kênh 28 và 630 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Việc đầu tư xây kè xử lý các đoạn sạt lở trên kênh 28 là rất cần thiết và cấp bách. Dự kiến, dự án có tổng chiều dài tuyến công trình 2.100m, chia làm 7 đoạn. Giải pháp xử lý là kè dạng mặt bến, thân kè bằng hệ dầm sàn bê tông cốt thép trên nền cọc bê tông cốt thép và thảm đá chân kè. Các tường cừ được liên kết với nhau bằng mũ bê tông cốt thép và thảm đá chân kè. Tổng mức đầu tư là 200 tỷ đồng.
Tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai Dự án xử lý sạt lở đê ven sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng - An Hữu - Tân Thanh, huyện Cái Bè (giai đoạn 3). Hiện nay, sông Tiền chảy qua địa phận 3 xã Hòa Hưng - An Hữu - Tân Thanh thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 4.000m gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và nhà cửa của các hộ dân đang sinh sống ven sông và đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Dự kiến, dự án có tổng chiều dài là 1.000m. Giải pháp xử lý là sử dụng kè dạng tường cừ đứng bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp sàn giảm tải, các tường cừ được liên kết với nhau bằng dầm mũ bê tông cốt thép và thảm đá chân kè. Tổng mức đầu tư dự án là 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai Dự án Xói lở bờ biển Gò Công (đoạn từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ). Hiện nay, tuyến đê biển Gò Công còn đoạn dài 7.000m có một số vị trí đai rừng phòng hộ chỉ còn từ 4 - 40m, đang tiếp tục bị xói lở và thu hẹp dần. Để đáp ứng yêu cầu trên và chủ động ứng phó với các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu trong công tác phòng, chống sạt lở bờ biển, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và khoảng 600.000 hộ dân, bảo vệ cho 43.000 ha đất canh tác của huyện, thị xã ven biển như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và một phần huyện Chợ Gạo, việc đầu tư xây dựng dự án là rất cần thiết và cấp bách. Dự kiến, dự án có tổng chiều dài tuyến công trình là 2.500m. Giải pháp xử lý là sử dụng cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn lắp đặt thành tuyến, đặt xa bờ từ 100 - 200m; bố trí các mỏ hàn giảm sóng. Tổng mức đầu tư là 100 tỷ đồng.
Cùng với việc kiến nghị hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Tiền Giang bố trí kinh phí để thực hiện các dự án khắc phục sạt lở bờ sông, biển. Ảnh: TN.
Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, địa phương đang đầu tư trên 745 tỷ đồng, triển khai 6 dự án khắc phục sạt lở bờ sông, biển nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân. Đó là các dự án: Bờ kè sông Ba Rày (thị xã Cai Lậy); Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực Cù lao Tân Phong (Đoạn 3), xã Tân Phong, huyện Cai Lậy; Kè chống sạt lở Cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông); Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2); Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Tân Phong, huyện Cai Lậy; Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo.
Trong các tháng cuối năm 2023, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục triển khai thêm Dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên sông Cái Bè, huyện Cái Bè có tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Theo nhận định của ngành chức năng, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển trên địa bàn Tiền Giang ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Nghiêm trọng nhất là khu vực các huyện, thị xã vùng kiểm soát lũ phía Tây nằm đầu nguồn sông Tiền của tỉnh, vùng ven biển Gò Công thuộc địa bàn các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông... Nguyên nhân sạt lở chủ yếu do địa phương nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; đồng thời do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết và thủy văn diễn biến phức tạp cùng hoạt động phát triển sản xuất-kinh doanh, các tác nhân khác...
Theo Sở NN&PTNT, để phòng, chống và khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ sạt lở tại các khu vực sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Đồng thời, chủ động huy động các nguồn lực của địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, ưu tiên thực hiện các giải pháp di dời nhà ở, di dời công trình… để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Hiện nay, đối với những điểm sạt lở nghiêm trọng vượt quá khả năng của huyện, tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương xử lý.
Về lâu dài, để chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, tỉnh đang rà soát, quy hoạch các tuyến dân cư ven sông có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, xây dựng bản đồ dự báo nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở bố trí dân cư và sản xuất. Nghiên cứu lập dự án đầu tư các ô bao bảo vệ dân cư, cây ăn trái, lúa trên địa bàn các huyện phía Tây theo quy hoạch được duyệt; quy hoạch tuyến luồng chạy tàu và quy định vận tốc tối đa của tàu thuyền trên một số trục giao thông chính để hạn chế sạt lở. Ngoài ra, tỉnh sẽ quy định phạm vi đào kênh và đắp đê, quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn. Một trong những giải pháp quan trọng là khuyến cáo người dân không xây dựng nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông.
Minh Trí
Bình luận