Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ năm, 14/03/2024 07:03
TMO - Tỉnh Hưng Yên xác định bảo vệ môi trường nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Thông tin từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay, dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh là 1.073.418 người/tổng dân số của tỉnh là 1.290.852 người (chiếm 83,16%) người dân đang sinh sống và làm việc tại khu vực nông thôn, do đó công tác bảo vệ môi trường nông thôn của tỉnh ngày càng được chú trọng.
Trong những năm qua, với sự vào cuộc cả cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của người dân, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả tích cực: Có 915 tổ vệ sinh môi trường, 39 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và môi trường được thành lập thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho 100% các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; 151.216 hộ gia đình tại 154/161 cấp xã thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, đạt 42,13 % số hộ gia đình của tỉnh, là một trong những tỉnh có tỷ lệ thực hiện cao nhất cả nước.
Cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt, hình thành nhiều miền quê đáng sống, có trên 2.000 tuyến/đoạn/đường hoa với tổng chiều dài gần 600 km; các hộ gia đình chỉnh trang hàng rào, cải tạo vườn; thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ, xóm định kỳ để tạo cảnh quan môi trường. Công tác xử lý nước thải sinh hoạt đã được chú trọng, một số công trình xử lý nước thải khu dân cư đã được triển khai tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động công suất 450m3/ngày; thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ công suất 470m3/ngày; thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi công suất 400m3/ngày và triển khai một số mô hình thí điểm xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ, cụm hộ gia đình tại thôn Tạ Trung, xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (mô hình xử lý nước thải quy mô cụm hộ (54 hộ) công suất 25 m3/ngày và quy mô hộ gia đình công suất 1,2 m3/ngày); mô hình tại xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ có công suất 50 m3/ngày.đêm.
Các địa phương đang dần hoàn thiện công trình xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn.
Nhiều các công trình xử lý nước thải sinh hoạt được đầu tư mới như: Tại huyện Phù Cừ đã hoàn thành 05 công trình xử lý nước thải sinh hoạt công suất 50m3/ngàyđêm/hệ thống tại các thôn trên địa bàn huyện. Thành phố Hưng Yên đã hoàn thiện lắp đặt máy móc, thiết bị và đưa vào vận hành Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề bún đậu tại thôn Viên Tiêu, xã Tân Hưng, công suất 150 m3/ngày đêm. Các huyện, thị xã, thành phố đã lựa chọn được 451 vị trí có thể đáp ứng xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt.
Tháng 1/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 175/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mục tiêu chung là giảm thiểu ô nhiễm cải thiện môi trường nông thôn, tạo cảnh quan môi trường sống, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Sau hơn 1 năm triển khai, các công trình, dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn đang được đầu tư xây dựng, từng bước nâng cao hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, các khu dân cư ở tỉnh phát sinh gần 100 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt/ngày đêm. Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình trong tỉnh chưa được thu gom, xử lý triệt để, hiệu quả. Huyện Phù Cừ đang triển khai xây dựng 5 công trình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô khu dân cư, trong đó 3 công trình đã đi vào vận hành. Những công trình đầu tiên được hoàn thành đã đem đến những tín hiệu tích cực về cải thiện môi trường khu vực nông thôn. Các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn mới được hoàn thành ở một số khu dân cư trong huyện thực hiện thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu dân cư trong các thôn. Hệ thống cống rãnh nhờ đó không còn tồn đọng nước thải, vệ sinh môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện.
Ngoài huyện Phù Cừ, các địa phương trong tỉnh cũng đang đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn, như thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động…Các bước xử lý nước thải sinh hoạt chủ yếu gồm: Bể lọc kỵ khí, bể lọc màng sinh học, bể khử trùng... Qua các đợt lấy mẫu của ngành chuyên môn, chất lượng nước thải sinh hoạt sau khi xử lý bảo đảm các chỉ tiêu khi thải ra môi trường.
Người dân tại các địa phương chú trọng bảo vệ cảnh quan môi trường thông qua các hoạt động trồng cây, thu gom rác thải.
Tại huyện Tiên Lữ, nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM kiểu mẫu, huyện triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ môi trường, huy động các nguồn lực và sự vào cuộc của người dân. Đến nay, trên địa bàn huyện Tiên Lữ đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của 72 tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản, bảo đảm việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình đến các bãi chôn lấp, bãi tập kết rác thải theo quy định. Mỗi tổ hoạt động thu gom trung bình 2-3 buổi/tuần. Trên 60% số hộ thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, 2.400 hộ thực hiện xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình bằng chế phẩm sinh học IMO, gắn 455 biển mô hình nhà sạch - vườn đẹp, nhà sạch-ngõ sạch...
Những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; đồng thời triển khai nhiều mô hình hiệu quả thiết thực, làm thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường, hạn chế tình trạng vứt rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, góp phần làm môi trường nông nghiệp, nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các cấp hội, nhất là cơ sở triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực; thường xuyên tuyên truyền, phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên hướng dẫn hội viên thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình, xây dựng, duy trì hiệu quả các mô hình như: Tuyến đường nông dân tự quản; Nói không với túi nylon và rác thải nhựa; Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải thành phân bón tại nguồn; Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, Hàng cây nông dân…
Tích cực vận động hội viên nông dân và người dân nông thôn sử dụng nước sạch, tham gia cải thiện môi trường làng nghề; hạn chế sử dụng túi nilon và sống thân thiện với môi trường. Hướng dẫn hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả phân bón an toàn, thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao bì thuốc sau khi sử dụng; xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản.
Năm 2020, Hưng Yên là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Ngay sau đó, toàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2023, toàn tỉnh Hưng Yên huy động được trên 11.400 tỷ đồng trong xây dựng NTM. Toàn tỉnh có thêm 19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 102/139 xã, 36 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 153 khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Năm 2024, tỉnh Hưng Yên phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phấn đấu có từ 1 đến 2 huyện được công nhận huyện NTM nâng cao. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới là nền tảng quan trọng để các địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu.
Hồng Thắm
Bình luận