Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 29/03/2025 14:03
Thứ tư, 26/03/2025 11:03
TMO - Là địa phương có thế mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, sinh thái, TP. Huế đặt nhiều kỳ vọng về tăng trưởng du lịch năm 2025 khi địa phương này đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2025.
TP. Huế thuộc khu vực miền Trung, giáp Quảng Trị, Quảng Nam và Đà Nẵng, nhờ nhiều lợi thế, nhất là về văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, du lịch địa phương này có những phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của miền Trung.
Năm 2024, ngành du lịch TP. Huế đón gần 3,9 triệu lượt khách, tăng gần 22% so với năm trước, trong đó có gần 1,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 17 %; khách nội địa tăng 25 %. Tỷ trọng khách du lịch quốc tế chiếm gần 36 % trong tổng lượt khách du lịch đến Huế. Doanh thu từ du lịch ước đạt 7.900 tỷ đồng, tăng gần 20 %; các chỉ tiêu về du lịch đạt kế hoạch năm 2024 đề ra. Năm 2024 cũng là năm ngành du lịch Huế đón nhận nhiều danh hiệu và giải thưởng lớn về du lịch.
Lượng khách du lịch đến Huế ngày càng tăng. Ảnh minh họa.
Năm 2025, TP. Huế đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2025 với kỳ vọng tạo đột phá trong tăng trưởng du lịch của năm và những năm tiếp theo. Điều này được nhấn mạnh tại buổi họp báo công bố Năm Du lịch quốc qua 2025 diễn ra vào sáng 31/12/2024.
Theo đó, phát biểu tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở Du lịch TP. Huế cho biết, với chuỗi các hoạt động, sự kiện được tổ chức trong Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế năm 2025, Huế kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 4,8 - 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 38 - 40% tổng lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.800 - 11.200 tỷ đồng.
Đây là lần thứ hai Huế được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia (lần đầu tiên vào năm 2012). Việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia gắn với Festival Huế 2025 được kỳ vọng là cú hích rất quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội nói chung và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng khởi sắc, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực trong đầu tư phát triển, xây dựng các sản phẩm mới, hấp dẫn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Họp báo công bố Năm Du lịch quốc gia 2025 tại Huế.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, với địa thế chính trị - kinh tế quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và là điểm kết nối trong hành trình "Con đường Di sản miền Trung", năm 2025, TP. Huế được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề "Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới". Với chuỗi các hoạt động, sự kiện quy mô liên tỉnh, quốc gia và quốc tế diễn ra trong suốt năm 2025 qua sự kiện Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025, những giá trị, tiềm năng của du lịch Huế nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ được hội tụ, phát huy và quảng bá hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Sự trở lại mạnh mẽ của du lịch Việt Nam
Phát biểu tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025 diễn ra tối 25/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng triệu lao động, giúp nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa thoát nghèo, mang lại diện mạo mới, làm sống lại các di tích sau những năm tháng ngủ quên mà còn thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị, gìn giữ hoà bình, giúp những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc được quảng bá, thấm sâu, lan tỏa trong nước và ngoài nước.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo ngành du lịch phát huy tốt nhất tiềm năng con người, văn hóa và thiên nhiên, lợi thế về biển, đảo, các thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với quyết tâm chính trị của nhiều địa phương, nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch đã tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi ngành du lịch Việt Nam vượt qua kỳ vọng cả về số lượng và chất lượng.
Chỉ trong hai năm 2023 và 2024, du lịch Việt Nam đã phục hồi ngoạn mục, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch và trở thành một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Việt Nam là điểm đến lớn thứ tư trong khối ASEAN về lượng khách đến và tổng thu từ du lịch. Đây không chỉ là tín hiệu của sự phục hồi mạnh mẽ mà còn là minh chứng cho sức hút bền vững của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng du lịch danh giá như "Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á", "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" và hàng trăm giải thưởng của các doanh nghiệp du lịch khác. Đây chính là sự ghi nhận của quốc tế đối với tiềm năng và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam, đồng thời là động lực để chúng ta tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, năm 2025 được kỳ vọng sẽ là cột mốc đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, với các mục tiêu đầy hy vọng: Đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế; 120 - 130 triệu lượt khách nội địa. Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, khi du lịch không chỉ là trải nghiệm, mà còn là cầu nối của tình hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
“Thời gian tới, ngành du lịch cần quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả phù hợp - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, TP. Huế và các địa phương trên cả nước tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động tiếp tục phối hợp thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, triển khai những giải pháp tổng thể, đồng bộ về quy hoạch, thu hút đầu tư nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp, gắn kết với các giá trị di sản văn hóa đặc sắc. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá hiệu quả du lịch Huế nói riêng và vùng duyên hải miền Trung nói chung, cũng như cả nước; tạo ra không gian mới cho phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và di sản. Chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững; thúc đẩy chuyển đổi xanh; phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hoá để thúc đẩy du lịch, lấy du lịch làm nền tảng để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản của địa phương.
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là trang bị kỹ năng nghề, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, tạo thành chuỗi điểm đến "Hành trình kinh đô cổ", trong đó Huế phải là động lực, là điểm nhấn thu hút du khách đến. Tập trung phát triển hạ tầng du lịch, cải thiện dịch vụ, bảo đảm môi trường du lịch an toàn; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản để thành phố Huế luôn là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế. Quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, thân thiện để "Mỗi người dân Huế thực sự là sứ giả về văn hóa, du lịch"; có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau.
HƯƠNG GIANG VÀ CTV
Bình luận