Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ năm, 10/08/2023 08:08
TMO - Trong 10 năm qua, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã triển khai hơn 3.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó xử phạt vi phạm hành chính về tài nguyên nước lên tới gần 74 tỷ đồng.
Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường,” hiện đã có khoảng hơn 24.000 công trình khai thác, sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua công cụ cấp phép. Tuy nhiên, vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước vẫn còn phổ biến. Cụ thể, trong 10 năm qua, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã phải triển khai hơn 3.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó xử phạt gần 74 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan Trung ương đã thực hiện 31 cuộc thanh, kiểm tra tài nguyên nước đối với 206 cơ sở khai thác và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố. Qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về khai thác sử dụng nước như: chưa có giấy phép, khai thác vượt quy định giấy phép; không thực hiện quan trắc giám sát theo quy định của giấy phép.
Trên cơ sở đó, các cơ quan Trung ương đã xử phạt các cơ sở vi phạm gần 15 tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm tra báo cáo định kỳ, theo dõi qua hệ thống giám sát tự động trực tuyến, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị các địa phương xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm quy định của giấy phép về khai thác sử dụng nước.
Ở cấp địa phương, theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong 10 năm qua, các địa phương đã triển khai gần 3.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước đối với gần 19.000 đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; qua đó phát hiện và xử lý hơn 1.500 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với tổng số tiền phạt gần 59 tỷ đồng.
Để khắc phục tình trạng trên, Cục Quản lý tài nguyên nước kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành rà soát các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan; từ đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, thay thế để đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản, tránh chồng chéo.
Các cấp Trung ương và địa phương cần tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, chỉ tiêu đảm bảo an ninh tài nguyên nước, chủ động nguồn nước cho các ngành, lĩnh vực: sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác.
PV
Bình luận