Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ ba, 09/07/2024 05:07
TMO - Nhằm ứng phó với tình trạng mưa lớn kéo dài và nguy cơ sạt lở đất cao, UBND thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã yêu cầu các phường, xã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã chịu trách nhiệm rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, nghiêng lún, mất an toàn. Đối với các trường hợp nguy hiểm, cần có biện pháp tháo dỡ công trình theo quy định.Yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo an toàn thi công; phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị khảo sát để theo dõi chuyển vị, nghiêng lún của công trình và nền đất. Trường hợp không đảm bảo an toàn, phải có phương án gia cố, khắc phục.
UBND các phường, xã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về xây dựng, phòng chống sạt lở đất. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các lực lượng chức năng cần được huy động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống sạt lở đất có thể xảy ra. UBND thành phố Đà Lạt cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống sạt lở đất; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ sạt lở đất và các biện pháp phòng tránh; hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.
Thành phố Đà Lạt hiện có 61 điểm có nguy cơ sạt lở. Ảnh: LV.
Trước đó, Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt đã tổ chức kiểm tra, rà soát các trường hợp xây dựng công trình thuộc vị trí taluy âm/dương, sườn dốc trên địa bàn thành phố Đà Lạt và kiến nghị có 61 trường hợp trên địa bàn các phường, xã cần có phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. 61 điểm (trường hợp) có nguy cơ sạt trượt, nghiêng lún và mất an toàn nằm ở hầu hết các phường: 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, và các xã Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành.
Theo nhận định của Phòng Quản lý đô thị, các công trình thuộc phía taluy dương hiện nay tiếp giáp với các kè chắn đất (kè đá, tường chắn bê tông cốt thép) có chiều cao lớn, thiếu hệ thống thu gom nước đỉnh kè và chân kè, hiện trạng để thoát và chảy tràn tự do.
Đối với các công trình thuộc vị trí taluy âm khi các chủ đầu tư tổ chức xây dựng có khối đế công trình gồm tường chắn bê tông và đắp đất hoặc làm kè đá đắp đất. Các công trình này hiện nay vẫn còn thiếu sót trong việc xây dựng mương thu nước chân kè... Đối với các công trình thuộc dạng sườn dốc, đa phần các chủ đầu tư khi xây dựng san gạt đất – đắp đất để tạo nền thuộc phạm vi diện tích được cấp theo giấy chứng nhận và có một phần công trình được xây dựng trên phạm vi đắp đất.
Trong mùa mưa bão năm 2023, trên địa bàn TP.Đà Lạt xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, sạt trượt ta luy làm nhiều người thiệt mạng và bị thương. Trong đó, nghiêm trọng nhất vào rạng sáng 29.6.2023, một bờ tường ta luy cao hơn 10 m, dài hơn 20 m đã bị sạt trượt xuống hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (TP.Đà Lạt) khiến 2 người tử vong, 5 người bị thương và làm thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản của người dân.
Để phòng ngừa tình trạng sạt lở, UBND TP.Đà Lạt yêu cầu các phường, xã phải thường xuyên kiểm tra các công trình xây dựng, đặc biệt là những công trình nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao như ta luy âm, ta luy dương, sườn dốc. Việc kiểm tra cần được thực hiện định kỳ và đột xuất khi có thông tin dự báo về thời tiết xấu.
Đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, TP.Đà Lạt yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa như trồng cây xanh, làm kè chắn đất, thi công cọc khoan... để gia cố taluy, sườn dốc, hạn chế nguy cơ sạt lở. Nghiêm cấm xây dựng mới hoặc mở rộng các công trình trên những khu vực có nguy cơ sạt lở cao; di dời kịp thời các hộ dân sinh sống tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Phòng Quản lý đô thị tăng cường trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ bản vẽ thiết kế, cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra, giám sát việc thi công các công trình xây dựng trên địa bàn.../.
Thu Trang
Bình luận